Bà Rịa – Vũng Tàu: Chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn
Theo Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, những năm qua, Hội đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó, đã đa dạng các hình thức dạy nghề, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho nông dân nhất là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số tại địa bàn nông thôn.
Đào tạo nghề đan mây cho lao động nông thôn ở Bà Rịa – Vũng Tàu |
Cũng theo Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các hoạt động dạy nghề cho nông dân đã tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng giúp nông dân tự tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, theo đó, Hội đã phối hợp với các ban, ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Hoạt động này nhằm giúp nông dân tự tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức gần 100 lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng cây cảnh, trồng nấm, trồng rau an toàn, thú y gia đình cho trên 2000 học viên. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Tôn giáo – Dân tộc các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho trên 6000 lượt người tham dự, xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất như nuôi dê, vỗ béo bò thịt, vịt siêu trứng, trồng lúa chất lượng cao, đồng thời cũng hỗ trợ cho trên một trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.
Riêng năm 2013, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức 147 lớp học nghề với 4.614 người, đạt 125,17% so với kế hoạch. Số người học nghề nông nghiệp là 1.312 người, nghề phi nông nghiệp là 2.808 người. Số lao động nông thôn đã học xong là 2.924 người, có 2.545 người có việc làm, đạt 87,03%. Đối với nghề nông nghiệp có 1.174 người có việc làm sau học nghề. Nghề phi nông nghiệp có 1.371 người có việc làm, trong đó, có 541 người được doanh nghiệp tuyển dụng, 557 người được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và 271 người tự tạo việc làm.
Sau khi được học nghề, người lao động đã chủ động áp dụng các biện pháp cải tiến tổ chức sản xuất, thay đổi dần phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và hình thức kinh doanh, từ đó, đã cho hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Với mục tiêu: “Dạy nghề gắn với việc làm cho nông dân” Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã và đang phối hợp với các ngành chuyên môn tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bước đầu Trung tâm tuyên tuyền, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; Đa dạng các hình thức dạy nghề, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho nông dân nhất là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số tại địa bàn nông thôn. Các hoạt động dạy nghề cho nông dân sẽ tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng giúp nông dân tự tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập.
Theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2013 – 2015, địa phương này sẽ phấn đấu đào tạo nghề cho 13.365 người, trong đó nghề phi nông nghiệp là 9.756 người, nghề nông nghiệp là 3.609 người. Riêng năm 2014, tỉnh đặt chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.000 người, trong đó, nghề phi nông nghiệp là 2.000 người và nghề nông nghiệp là 1.000 người.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu xã hội, trong đó ưu tiên đào tạo những ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn khu vực nông thôn, các ngành nghề gắn với việc giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để phổ biến và kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn và các mô hình tốt, đồng thời nêu lên những hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm, sửa chữa khắc phục, đồng thời cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý kịp thời sai phạm trong công tác đào tạo nghề…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()