Bà Rịa - Vũng Tàu chấn chỉnh các dự án đầu tư kém hiệu quả
Dự án Công viên thế giới diệu kỳ Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, triển khai trên diện tích 130 ha tại TP Vũng Tàu, hiện đang trở thành điểm nóng về xây dựng trái phép do bị "treo" nhiều năm. Việc để lọt các dự án kém hiệu quả, "treo" lâu ngày đang là bài toán nan giải đặt ra đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thu hồi dự án, đổi chủ đầu tư hay sẵn sàng "trả" đất lại cho người dân... đều chỉ là những giải pháp mang tính tình thế.Khởi công rình rang rồi... "lặn"Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Phan Hòa Bình, trong nhiều cuộc họp, đã bức xúc khi nói về tình trạng các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố: "Chúng tôi nhiều lần gửi công văn thúc giục nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng kết quả rất hạn chế. Không ít nhà đầu tư mời nhưng không đến. Cá biệt có trường hợp không biết phải liên lạc với họ bằng cách nào. Công văn gửi đi không có hồi âm. Gọi điện thoại không gặp được người...
Dự án Công viên thế giới diệu kỳ Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, triển khai trên diện tích 130 ha tại TP Vũng Tàu, hiện đang trở thành điểm nóng về xây dựng trái phép do bị “treo” nhiều năm. |
Khởi công rình rang rồi… “lặn”
Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Phan Hòa Bình, trong nhiều cuộc họp, đã bức xúc khi nói về tình trạng các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố: “Chúng tôi nhiều lần gửi công văn thúc giục nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng kết quả rất hạn chế. Không ít nhà đầu tư mời nhưng không đến. Cá biệt có trường hợp không biết phải liên lạc với họ bằng cách nào. Công văn gửi đi không có hồi âm. Gọi điện thoại không gặp được người cần gặp”. Chủ tịch Phan Hòa Bình nêu thí dụ về dự án Công viên thế giới diệu kỳ Vũng Tàu, do Công ty TNHH Good Choice USA-VN, 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm chủ dự án. Đây là một trong những dự án lớn của địa phương, với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, triển khai trên diện tích 130 ha, kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP Vũng Tàu. Thế nhưng, kể từ năm 2008, khi dự án được cấp phép đến nay, mọi hoạt động đều dậm chân tại chỗ. Chủ đầu tư “lặn” mất tăm, cho dù công ty có cả một website giới thiệu hoành tráng. Sau nhiều lần gửi công văn không thấy phúc đáp, chính quyền thành phố đã cho người xác minh địa chỉ doanh nghiệp nhưng cũng không tìm được người đại diện. Theo các cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vũng Tàu, kể từ khi dự án được cấp phép đến nay, cơ quan này không thể tiếp cận được chủ đầu tư để phối hợp triển khai công tác kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện bản thân Good Choice USA-VN còn nợ Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hàng trăm triệu đồng tiền đo vẽ. “Chúng tôi đã làm xong nhưng không biết chủ đầu tư ở đâu để đòi tiền”- một cán bộ trung tâm này cho biết.
Tương tự như vậy, dự án Bệnh viện IMI Vũng Tàu, dù đã được bàn giao đất sạch, vẫn đang “treo” nhiều năm nay, khiến dư luận và chính quyền địa phương bức xúc. Theo thuyết trình, đây là dự án bệnh viện quốc tế đa khoa kỹ thuật số đầu tiên được khởi công xây dựng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, quy mô 500 giường bệnh, tổng kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu USD, do Công ty TNHH Sáng kiến y tế quốc tế Vũng Tàu làm chủ dự án. Bệnh viện dự kiến xây dựng trên diện tích bốn ha, gồm các chuyên khoa sâu như: ung thư, tim mạch, u não, được xem là mô hình năng động trong chăm sóc sức khỏe người bệnh, có khả năng liên kết với chuỗi phòng khám IMI trên toàn quốc nhằm phát hiện kịp thời và chính xác các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, sau lễ khởi công rình rang, dự án hiện vẫn đang “đắp chiếu”. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đặng Minh Thông, dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh đã giao gần bốn ha đất sạch (không thu tiền sử dụng) cho chủ đầu tư. Mọi thủ tục đầu tư đã hoàn chỉnh nhưng doanh nghiệp vẫn không chịu… triển khai.
Lúng túng giải quyết hậu quả
Bức xúc trước tình trạng các dự án chậm triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền các địa phương đã tiến hành rà soát, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hàng loạt dự án, trong đó có dự án Công viên thế giới diệu kỳ Vũng Tàu. Nhưng gần nửa năm trôi qua, các ban, ngành chức năng không thể liên lạc được với ông Jonh Tan Hung Nguyen, Tổng giám đốc Good Choice USA-VN. Ông Đặng Minh Thông cho biết, chúng tôi đã hai lần gửi thư bảo đảm sang Mỹ để tìm người có trách nhiệm của Good Choice USA- VN, yêu cầu chủ đầu tư có mặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu làm thủ tục thu hồi dự án nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Việc cấp phép cũng như thu hồi phải được thực hiện đúng quy định pháp luật nên rất có thể thời gian tới chúng tôi phải nhờ tới sự can thiệp của các cơ quan đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cũng theo lãnh đạo sở này, việc gửi công văn ra nước ngoài đang “ngốn” một nguồn kinh phí không nhỏ. “Nếu cứ tiếp tục, sở không biết lấy kinh phí từ đâu. Bởi chỉ riêng hai công văn gửi Good Choice, sở đã mất hơn 10 triệu đồng”.
Chưa hết, để đối phó với các cấp chính quyền, không ít chủ đầu tư tìm mọi cách câu giờ, kéo dài thời gian triển khai dự án. Đáng chú ý là “chiêu” thay đổi quy mô dự án, tăng vốn đầu tư, trong khi cả năm trời, dự án không giải ngân được một đồng vốn. Điển hình như Công ty TNHH Sáng kiến y tế quốc tế Vũng Tàu xin tăng vốn đầu tư dự án Bệnh viện IMI từ 300 triệu USD lên 600 triệu USD; dự án Bệnh viện Nhân Đức, tăng quy mô đầu tư từ 150 giường lên 300 giường bệnh…
Theo tính toán, thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư của một dự án mất trung bình từ hai đến ba năm. Để thu hồi dự án, chính quyền địa phương cũng phải mất khoảng thời gian tương tự. Nó đồng nghĩa với việc người dân bị thu hồi đất, hàng năm trời, rơi vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong”. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài, lấn chiếm và xây dựng không phép. Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, đã có thời gian Vũng Tàu là “điểm nóng” về xây dựng không phép. Nhưng xét cho cùng cũng là do các dự án quy hoạch “treo” cả năm trời không thực hiện.
Không chỉ lúng túng trong việc xử lý các dự án “treo”, hiện các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang đau đầu với các dự án nằm ngoài quy hoạch, ô nhiễm môi trường. Hậu quả của tình trạng “bội thực” các nhà máy thép, các dự án dệt nhuộm… chưa thể một sớm, một chiều giải quyết được. Mới đây nhất, ngày 20-7, tỉnh phải niêm phong toàn bộ máy móc thuộc xưởng nhuộm của Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam (đóng tại Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), do nguy cơ gây ô nhiễm hồ Đá Đen – hồ cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của người dân trong tỉnh.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương nhiều năm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư. Theo báo cáo Hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư trình bày mới đây, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh lại nằm trong tốp những địa phương có tốc độ giải ngân thấp, với tổng vốn thực hiện của các dự án FDI, tính đến hết tháng 7-2012, chỉ đạt hơn 7,2 tỷ USD, chiếm 26,6% so với vốn đăng ký hơn 27,2 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 36,8% bình quân chung cả nước.
Việc để lọt các dự án kém hiệu quả, “treo” lâu ngày đang là bài toán nan giải đặt ra không chỉ với Bà Rịa – Vũng Tàu mà với tất cả các địa phương trong cả nước. Thu hồi dự án, đổi chủ đầu tư hay sẵn sàng “trả” đất lại cho người dân… đều chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, công tác quy hoạch, thẩm định dự án, thẩm định năng lực nhà đầu tư, ngay từ khâu đầu tiên, phải được chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()