Ba năm trên mảnh đất địa đầu
LSO-Sau gần ba năm triển khai, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành một cuộc vận động sâu, rộng trong toàn xã hội.
LSO-Sau gần ba năm triển khai, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành một cuộc vận động sâu, rộng trong toàn xã hội. Quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã trở thành ý chí của toàn dân, đây là nền tảng vững chắc để xây dựng thành công nông thôn mới trên mảnh đất địa đầu.
Cải tạo hạ tầng quốc lộ 4B đoạn qua huyện Đình Lập |
Hưởng ứng phong trào thi đua Lạng Sơn chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch thi đua cụ thể phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Các cuộc vận động, tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như sân khấu hóa, in đĩa CD, đặt pa nô, áp phích tại các điểm dân cư, phát tờ rơi, phát thanh, truyền hình, mở chuyên mục trên báo Lạng Sơn, phát động cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về phong trào xây dựng nông thôn mới… làm cho phong trào lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới.
Trong 3 năm qua, các cấp, ngành chức năng đã phát 160.000 tờ rơi đến hộ gia đình , 2.750 bảng tiêu chuẩn, 2.750 bảng tiêu chí, 5.000 quyển tài liệu Hỏi – Đáp về xây dựng nông thôn mới và 3.500 quyển tài liệu tham khảo về phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới đến từng thôn bản. Ngoài ra, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền xây dựng nông thôn mới như lồng ghép trong các hội nghị, các buổi họp thôn, các cuộc họp tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật… Tính đến tháng 6 năm 2013, đã có hơn 460 hội nghị với khoảng hơn 26.500 lượt người tham gia. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Lạng Sơn, Đài phát thanh – Truyền hình đã xây dựng được hơn 1.000 tin bài, phóng sự về nông thôn mới, xây dựng được 68 biển Pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các trung tâm xã và cụm xã, tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm báo chí về xây dựng nông thôn mới… tạo ra không khí phấn khởi hăng hái thi đua trong toàn dân.
Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền đầy sáng tạo và hiệu quả. Hội Nông dân các cấp tổ chức được 640 buổi tuyên truyền với hơn 40.347 lượt hội viên tham gia; Hội phụ nữ tổ chức được 445 buổi với trên 23.000 hội viên tham gia với nội dung vận động xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Năm không ba sạch”; Đoàn thanh niên tổ chức được 262 buổi với trên 17.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia bằng các hình thức sân khấu hoá, xây dựng tin bài trên cuốn “Tuổi trẻ Xứ Lạng”, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời trực tiếp tham gia cùng các địa phương xây dựng các mô hình thôn bản xanh sạch đẹp, mô hình trồng trọt, chăn nuôi tạo ra sản phẩm giá trị cao…
Nhân dân các địa phương đã tham gia tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như tự nguyện hiến đất, đóng góp về vật chất và ngày công để xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: làm đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi mương máng tưới tiêu đồng ruộng, nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng nhà văn hóa, trường học… Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong 3 năm qua toàn tỉnh đã có trên 2.500 hộ gia đình tình nguyện hiến hơn 225.000 m2 đất; hàng năm nhân dân đóng góp trên 200.000 ngày công lao động xây dựng hạ tầng nông thôn. Cũng trong vòng 3 năm qua, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp trực tiếp trên 250 tỷ đồng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ khoảng trên 4% tổng vốn đầu tư. Đối với một tỉnh nghèo như Lạng Sơn, con số này cũng đã là thành công lớn.
Lộ trình trong giai đoạn 2011-2015 đã vạch ra rõ ràng với 35 xã cơ bản đạt nông thôn mới, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề, nhưng với những gì mà nhân dân toàn tỉnh đã thể hiện trong những năm qua, thì nhiệm vụ này là rất khả thi. Trong chuyến đi công tác tại Lâm Ca, xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, tôi mãi ấn tượng với câu nói bác nông dân thôn Bình Lâm: cái được nhất đối với bà con chính là nhận thức đã chuyển, tư tưởng đã thông, nông dân là chủ thể của nông thôn mới và phải ra sức hơn nữa để xây dựng thành công nông thôn mới. Với tâm thế ấy, mảnh đất địa đầu càng trở nên vững tin hơn trên con đường nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()