Ba mục tiêu chính sách quốc phòng của New Zealand
Trong "Kế hoạch tiềm lực quốc phòng 2025" (DCP 2025) được công bố mới đây, Chính phủ của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã đề ra 3 mục tiêu chính sách quốc phòng.
Trong lời nói đầu của DCP 2025, Bộ trưởng Quốc phòng Judith Collins khẳng định an ninh kinh tế của New Zealand gắn liền với an ninh quốc gia. Để bảo đảm thịnh vượng trong tương lai, một đảo quốc nhỏ như New Zealand, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại để phát triển kinh tế, cần có lộ trình rõ ràng về đầu tư lâu dài cho quốc phòng. "DCP 2025 vạch ra lộ trình đầu tư như vậy nhằm bảo đảm rằng Lực lượng quốc phòng New Zealand (NZDF) có thể hoạt động hiệu quả trong một thế giới ngày càng bất ổn", Bộ trưởng Judith Collins nêu rõ.
DCP 2025 đánh giá, trong mấy thập niên qua, New Zealand được hưởng lợi từ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ vốn "phản ánh các giá trị, bảo vệ lợi ích và hỗ trợ cho những khát vọng" của Wellington. Tuy nhiên, giờ đây, New Zealand phải "đối mặt với một thế giới rất khác". "New Zealand hiện đang phải đối mặt với môi trường chiến lược thách thức và nguy hiểm nhất trong nhiều thập niên", DCP 2025 nhấn mạnh.

Theo DCP 2025, các diễn biến địa chính trị thời gian qua, như căng thẳng tại châu Âu, Trung Đông, cạnh tranh chiến lược gia tăng đã cho thấy bản chất ngày càng phức tạp của "những mối đe dọa" đối với lợi ích an ninh quốc gia của New Zealand. Vị trí địa lý biệt lập giờ đây không còn giúp New Zealand "miễn nhiễm" với các mối đe dọa như trước kia nữa.
Để ứng phó với tình hình, các quốc gia trên thế giới, trong số này có các đối tác an ninh gần gũi nhất cũng như những quốc gia cùng chia sẻ lợi ích với New Zealand, đã không ngừng tăng cường đầu tư tiềm lực quốc phòng, mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác an ninh cả song phương lẫn đa phương. "NZDF có nhiệm vụ bảo vệ New Zealand và các lợi ích quốc gia. Đây là lực lượng duy nhất có khả năng làm như vậy. Chúng ta không bao giờ loại trừ khả năng rằng một ngày nào đó chúng ta cần phải tự bảo vệ mình. Chúng ta cần một lực lượng quốc phòng không chỉ có khả năng ứng phó trong các tình huống khẩn cấp mà còn có thể đóng góp duy trì sự ổn định trong khu vực, hỗ trợ các quốc gia láng giềng ở Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành, ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng, hợp tác với các đối tác để tăng cường khả năng chống chịu của khu vực. Trong vòng 4 năm tới, chính phủ cam kết sẽ đầu tư 12 tỷ NZD (tương đương 5 tỷ USD) cho việc tăng cường tiềm lực quốc phòng", Bộ trưởng Judith Collins khẳng định.
DCP 2025 nêu rõ, tình hình thế giới diễn biến khó lường đòi hỏi New Zealand phải có một chính sách quốc phòng chủ động hơn. Chính phủ của Thủ tướng Christopher Luxon đã xác định chính sách quốc phòng sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, bảo vệ và thúc đẩy an ninh của New Zealand cũng như khu vực lân cận. Theo đó, NZDF sẽ bảo vệ đất nước và các lợi ích chiến lược then chốt của New Zealand; tham gia vào các hoạt động ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong nước; bảo vệ an ninh hàng hải của New Zealand; thúc đẩy quyền tự do hành động của New Zealand tại khu vực lân cận; hỗ trợ an ninh cho các quốc gia Thái Bình Dương nói riêng và khu vực này nói chung; ngăn chặn các hành động đi ngược lại lợi ích an ninh của New Zealand và khu vực lân cận; thúc đẩy việc tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; bảo đảm khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong hoạt động quân sự.
Thứ hai, tăng cường các mối quan hệ đối tác an ninh quan trọng bậc nhất của New Zealand. Chính phủ của Thủ tướng Christopher Luxon sẽ bảo đảm New Zealand đóng góp một cách thiết thực cho các mối quan hệ đối tác an ninh, nhất là liên minh với Australia, liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand).
Thứ ba, góp phần đạt được các lợi ích toàn cầu của New Zealand. Chính phủ của Thủ tướng Christopher Luxon khẳng định các lợi ích của nước này là mang tính toàn cầu. NZDF sẽ tiếp tục đóng góp cho an ninh toàn cầu bằng cách duy trì các hoạt động hợp tác quốc phòng vốn sẽ tập trung vào việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ví dụ như thực thi các quyền và nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, hỗ trợ bảo vệ chủ quyền và an ninh của các quốc gia trong khu vực.

Ý kiến ()