Bà Merkel kêu gọi doanh nghiệp Đức đa dạng hóa hoạt động ở châu Á
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh sự kết nối tốt hơn của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào sự phân chia lao động quốc tế tạo ra những cơ hội mới mà tất cả các bên đều có thể hưởng lợi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức (APA) ngày 13/10 đã kêu gọi các doanh nghiệp Đức đa dạng hóa các hoạt động ở khu vực châu Á.
Phát biểu tại lễ bàn giao chức Chủ tịch APA từ ông Joe Kaeser cho ông Roland Busch – người hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Siemens, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Trung Quốc chiếm gần 50% kim ngạch ngoại thương của Đức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song các doanh nghiệp Đức cũng không nên bỏ qua thực tế rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn rộng lớn hơn Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ hơn với các nước khác trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh sự kết nối tốt hơn của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào sự phân chia lao động quốc tế tạo ra những cơ hội mới mà tất cả các bên đều có thể hưởng lợi.
Bà Merkel đề xuất ba nguyên tắc đối với cách tiếp cận của châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương nhằm củng cố hợp tác bất chấp những khó khăn, bao gồm thiết lập một bộ quy tắc đáng tin cậy đảm bảo thương mại công bằng, tạo lập quan hệ kinh tế bền vững và đa dạng hóa các đối tác thương mại.
Liên quan sự phát triển bền vững, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh quan hệ đối tác năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ của châu Âu với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đức muốn đóng góp cho vấn đề bảo vệ khí hậu toàn cầu khi mở ra cơ hội thị trường mới cho các công ty Đức liên quan tới các công nghệ thân thiện với khí hậu.
Bà Merkel ca ngợi mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Australia trong lĩnh vực hydro, cũng như duy trì và đẩy mạnh quan hệ đối tác năng lượng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, tân Chủ tịch APA Busch cũng kêu gọi các doanh nghiệp Đức cần mở rộng hơn nữa ở châu Á. Cả Thủ tướng Merkel và các nhà lãnh đạo APA đều nhấn mạnh vai trò mạnh mẽ của Trung Quốc đối với kinh tế Đức. Theo ông Kaeser, Trung Quốc là đối tác có ảnh hưởng mạnh mẽ và định hình thế kỷ châu Á trong những thập kỷ tới đây.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi châu Âu nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc, bày tỏ kỳ vọng APA sẽ ủng hộ việc phê chuẩn văn kiện này trong bối cảnh hiệp định đang gặp trở ngại tại EU.
Thủ tướng Merkel cho rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích cho các bên, do vậy, Đức cũng mong muốn EU nhanh chóng kết thúc đàm phán với Australia và New Zealand.
Tân Chủ tịch APA Busch kêu gọi châu Âu cần có sự “nhịp nhàng” giữa chính trị và kinh tế, cho rằng sẽ “không có chủ quyền nào về chính trị mà không có chủ quyền về công nghệ.” Ông kêu gọi châu Âu xây dựng một chính sách kinh tế mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Thủ tướng Merkel trước đó cảnh báo không nên nhượng bộ trong nỗ lực tạo một sân chơi bình đẳng, trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay dỡ bỏ hơn nữa các rào cản thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung, Đức và châu Âu “cần đóng cai trò cân bằng và xây dựng.”
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Merkel đã có cuộc điện đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, vấn đề bảo vệ khí hậu, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhân quyền và Hiệp định Đầu tư EU-Trung Quốc.
Bà Merkel và ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương trong năm tới./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()