Ba Lan và các nước Baltic khánh thành một đường ống dẫn khí đốt mới
Việc khánh thành một đường ống dẫn khí đốt mới kết nối khu vực Đông Bắc EU với các khu vực còn lại trong khối là một bước đi quan trọng của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Ngày 5/5, Ba Lan và các nước Baltic đã khánh thành một đường ống dẫn khí đốt mới kết nối khu vực Đông Bắc Liên minh châu Âu (EU) với các khu vực còn lại trong khối.
Đây là một bước đi quan trọng của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
EU đã tài trợ gần 500 triệu euro cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới (GIPL) kết nối các mạng lưới dẫn khí đốt của Ba Lan và Litva.
Đường ống này dài khoảng 508km và có thể vận chuyển khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm theo cả hai chiều.
Nhờ liên kết hiện có trong khu vực, Latvia, Estonia và Phần Lan cũng sẽ có thể tiếp cận hệ thống đường ống dẫn khí đốt này của châu Âu.
EU đang hướng tới đa dạng hóa nguồn cung khí đốt nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Ngày 4/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã công bố kế hoạch từng bước cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Kế hoạch trên cần sự nhất trí của các quốc gia thành viên EU. Nếu được đồng thuận, kế hoạch này sẽ là một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Tuần trước, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho các nước Ba Lan và Bulgaria.
Động thái này có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt không chỉ ở hai quốc gia trên mà trên khắp châu Âu.
Ba Lan cho biết sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga nếu cần thiết, trong khi các quốc gia Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia cuối tháng trước thông báo ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ sử dụng dự trữ khí đốt quốc gia./.
Ý kiến ()