Ba Lan chi 4,75 tỷ USD mua tên lửa Patriot của Mỹ
Ngày 28/3, Ba Lan đã ký kết một thỏa thuận lịch sử trị giá 4,75 tỷ USD nhằm mua hệ thống tên lửa Patriot từ Tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon của Mỹ trong bối cảnh Warsaw đang có kế hoạch nâng cấp quân đội để đối phó với điều gọi là “sự tiến bộ về quân sự và chính trị” của Moscow trong khu vực.
Hiện 2/3 trang thiết bị quân sự của Ba Lan đều có xuất xứ từ thời Xô-viết và các lực lượng vũ trang của Ba Lan – một nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải hoạt động trong tình trạng không được đầu tư đúng mức trong nhiều thập kỷ. Đây là thỏa thuận quốc phòng lớn nhất mà Ba Lan từng ký kết trong vòng 30 năm qua.
Phát biểu trong lễ ký kết thỏa thuận, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhấn mạnh: “Đây là một thời khắc lịch sử, đặc biệt. Đây là thời điểm Ba Lan bước vào một thế giới công nghệ tối tân mới, vũ khí hiện đại và các trang thiết bị phòng thủ”. Ông Duda khẳng định, việc trang bị hệ thống tên lửa Patriot sẽ rất tốn kém, tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy “an ninh là một phạm trù không thể định giá”.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng đánh giá, hệ thống Patriot sẽ giúp tăng cường an ninh của Ba Lan và khu vực lân cận theo cách “chưa từng có tiền lệ”.
Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Paul Jones khẳng định, bản thỏa thuận vừa được ký kết giữa hai nước mang tính chất “bước ngoặt”, sẽ đưa nước thành viên NATO là Ba Lan trở thành thành viên của gia đình 15 nước trang bị hệ thống Patriot để bảo vệ an ninh không phận.
Báo chí nước ngoài đưa tin, dựa trên tinh thần của bản thỏa thuận vừa được ký kết, Ba Lan sẽ mua từ Mỹ 4 đơn vị hỏa lực Patriot. Hiện Warsaw cũng đang đàm phán với Washington để mua thêm các hệ thống Patriot, một radar 360 độ mới và một tên lửa đánh chặn giá rẻ trong giai đoạn 2 của chương trình phát triển lực lượng vũ trang. Patriot là một hệ thống tên lửa di động, được thiết kế nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo chiến thuật, máy bay và tên lửa hành trình bay tầm thấp.
Giới phân tích đang cảnh báo thỏa thuận mua bán vũ khí mới nhất này giữa Mỹ và Ba Lan có khả năng sẽ vấp phải phản ứng từ Nga bởi trong thời gian trở lại đây, Moscow đã nhiều lần tỏ rõ sự phản đối với việc triển khai các hệ thống do Mỹ sản xuất tại khu vực Đông Âu gần các khu vực biên giới với Nga. Hiện Mỹ cũng đang vận hành một hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania.
Trong thời gian trở lại đây, Nga đã nhiều lần phản đối kịch bản triển khai các hệ thống tên lửa Patriot ở Ba Lan và Romania vì cho rằng, điều này đi ngược lại Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Ngoài ra, Nga cũng bày tỏ quan ngại trước kế hoạch xây dựng quân sự của NATO tại gần biên giới nước này, xem đây là hành động đe dọa tới hòa bình khu vực và thế giới./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()