Ba Lan bắt tay với công ty Geely để sản xuất ôtô điện nội địa đầu tiên
Một công ty liên doanh có vốn của nhà nước Ba Lan đã ký thỏa thuận với một công ty Trung Quốc nhằm sản xuất chiếc xe điện nội địa đầu tiên.
Tuần qua, công ty ElectroMobility Ba Lan (EMP), đã thông báo việc ký thỏa thuận cấp phép sử dụng nền tảng chế tạo xe với công ty Geely của Trung Quốc, chủ sở hữu các thương hiệu Volvo và Lotus bên cạnh nhiều thương hiệu khác.
Theo đó, chiếc xe điện nội địa đầu tiên của Ba Lan mang tên Izera sẽ được xây dựng trên nền tảng Kiến trúc trải nghiệm bền vững (SEA) dẫn động cầu sau. Đây là nền tảng đã được các hãng xe Smart, Lynk&Co và ZEEKR sử dụng. Tuy nhiên, Izera là sản phẩm đầu tiên sử dụng nền tảng này mà lại không thuộc về một công ty con của Geely.
Giám đốc điều hành của EMP là Piotr Zaremba cho biết: “Việc hợp tác với Geely sẽ mang tới cho EMP những bí quyết hàng đầu trong ngành, cũng như các cơ hội kinh doanh khác. Về lâu dài, mối quan hệ đối tác công nghệ cho phép chúng tôi phát triển, thu hút nhiều nhà cung cấp địa phương hơn.”
Theo kế hoạch, dòng xe điện Izera sẽ bao gồm tối đa ba mẫu xe thuộc phân khúc C: một chiếc SUV cỡ nhỏ, một chiếc hatchback và một chiếc station wagon. Các phương tiện này sẽ được trang bị pin 51 kWh và 69 kWh, có phạm vi hoạt động từ 340 đến 450 km. Chúng có thể nhận điện từ bộ sạc DC 150 kW.
Dự án Izera – được đặt tên theo một dãy núi ở biên giới Ba Lan với Cộng hòa Séc – đã công bố các hình ảnh mẫu xe thử nghiệm từ năm 2020. Tuy nhiên, kể từ đó dự án đã bị trì hoãn.
Việc xây dựng nhà máy sản xuất Izera ở Jaworzno dự kiến bắt đầu vào năm 2021 và những chiếc xe đầu tiên được cho là sẽ ra mắt vào năm 2024. Nhưng trên thực tế, công việc tại nhà máy vẫn chưa bắt đầu và kế hoạch sản xuất những chiếc xe này đã bị lùi sang quý cuối cùng của năm 2025.
Theo trang tin Auto Swiat, ngoài một số vấn đề về cung ứng mà toàn ngành ô tô toàn cầu hiện đang đối mặt, dự án sản xuất Izera còn bị cản trở bởi những khó khăn trong việc mua đất xây nhà máy ở Jaworzno.
Còn theo nhật báo Rzeczpospolita, kinh phí cho hoạt động sản xuất chiếc xe điện đầu tiên cũng đang để lại nhiều dấu hỏi, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh tế đang xấu đi và có những đề xuất rằng một số dự án do nhà nước lãnh đạo nên được thu nhỏ lại. Kho bạc Nhà nước Ba Lan hiện sở hữu gần 83% EMP. Phần còn lại do các công ty năng lượng nhà nước nắm giữ.
Năm 2016, Chính phủ Ba Lan đã công bố kế hoạch biến nước này trở thành một cường quốc về xe điện, bao gồm mục tiêu có một triệu xe điện trên các con đường ở đây vào năm 2025.
Nhưng tham vọng đó đã bị thu hẹp lại, trong bối cảnh kế hoạch trợ cấp chi phí mua xe điện không được thuận lợi và hoạt động sản xuất xe điện nội địa cũng bị chậm trễ.
Năm 2019, sau khi thấy chỉ có 1.324 ô tô điện được đăng ký lưu hành tại Ba Lan vào năm trước đó, Chính phủ Ba Lan đã hạ mục tiêu xuống chỉ còn 600.000 xe điện và xe hybrid vào năm 2030. Nhưng tới cuối tháng 7/2022, vẫn chỉ có khoảng 52.000 xe điện đang chạy trên các con đường ở Ba Lan.
Dù vậy vẫn có những điểm sáng trong hoạt động sản xuất xe điện ở Ba Lan. Ví dụ vào năm 2020, nước này đã trở thành nhà xuất khẩu xe buýt điện lớn nhất của EU. Solaris, một công ty Ba Lan thuộc sở hữu của Tây Ban Nha, trở thành nhà sản xuất xe buýt điện lớn nhất châu Âu. Còn trong tháng 7 năm nay, SK Nexilis, một công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất lá đồng dùng trong pin xe điện, đã khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 3 tỷ zloty ở thành phố Stalowa Wola, Đông Nam Ba Lan./.
Ý kiến ()