Ba đột phá chiến lược - nền tảng thành công của tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế
Nhờ chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, đến nay, công tác triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược đã đạt một số kết quả tích cực bước đầu, trong đó, việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế đã tác động lan tỏa, hỗ trợ hai đột phá còn lại cũng như đối với tái cơ cấu các lĩnh vực ưu tiên và toàn bộ nền kinh tế.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cải cách thủ tục hành chính
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đẩy mạnh, nổi bật là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.
Trên cơ sở Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Quốc hội đã thông qua 46 dự luật trong giai đoạn 2011 đến hết tháng 6-2014 và dự kiến thông qua nhiều dự luật quan trọng khác trong sáu tháng cuối năm 2014, trong đó có nhiều luật liên quan trực tiếp đến hoàn thiện thể chế kinh tế, số lượng văn bản nợ đọng đến tháng 10-2014 đã giảm đáng kể (chỉ còn 22 văn bản), mức thấp nhất từ trước đến nay, giảm 63 văn bản so với tháng 1-2014 và giảm 80 văn bản so với cùng kỳ năm 2013.
Cải cách thủ tục hành chính có nhiều kết quả tích cực, nền hành chính công hiện đại đã được triển khai tại nhiều địa phương. Theo kết quả tổng hợp của Bộ Tư pháp, tính đến cuối năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động 2.114 thủ tục hành chính trong 560 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 3.089 quyết định công bố thủ tục hành chính, và cập nhật các quy định mới vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, rà soát 7.955 thủ tục hành chính quy định tại 1.800 văn bản quy phạm pháp luật nhằm cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, đơn giản hóa 3.281 thủ tục hành chính theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
Phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực ngày càng được chú trọng nâng cao về chất và lượng. Tính đến hết năm 2013, đã có 29 trong số 31 bộ, ngành và 62 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực và đang tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, dự kiến sớm trình Quốc hội và Trung ương trong thời gian tới,
Nền tảng, đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo được nâng cao cả về chất lẫn về lượng: tính đến năm 2013, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trong giáo dục đạt hơn 90%; tỷ lệ tiến sĩ và thạc sĩ trong giáo dục trung cấp chuyên nghiệp là 3% và 23%;
Đầu tư cho khoa học công nghệ được quan tâm rõ nét:Hệ thống cơ sở nghiên cứu KHCN tiếp tục phát triển, đã hình thành hai viện hàn lâm khoa học trên cơ sở hai viện khoa học quốc gia. Đội ngũ nhân lực KHCN không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng: tính đến năm 2013, cả nước có khoảng 62.000 người làm việc trong các tổ chức nghiên cứu phát triển, trong đó có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 80%; thị trường KHCN từng bước hình thành và phát triển: Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam (tháng 9-2012) đã thu hút nhiều đối tác từ ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Nga… sau hai năm 2011-2012 đã có 7.144 giao dịch công nghệ thành công với tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ được triển khai mạnh ở tất cả địa phương, vùng, miền, tạo nền tảng hạ tầng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012, khung pháp lý cho công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được triển khai tại nhiều bộ, ngành, địa phương với các kết quả tích cực bước đầu.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại:Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được triển khai và hoàn thành từ năm 2011 như cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (tháng 6-2012); cảng quốc tế Cái Mép -Thị Vải (tháng 1-2013); cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (tháng 12-2013); tuyến đường bộ Nam Định – Phủ Lý (tháng 1-2014); cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tháng 9-2014), qua đó đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của đất nước.
Hạ tầng CNTT được xây dựng rộng khắp, hiện đại, có quy mô lớn so với khu vực:đứng đầu Đông -Nam Á về lượng người dùng in-tơ-nét tính đến hết tháng 3-2013. Hạ tầng viễn thông phát triển vượt bậc, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển: tăng trưởng lợi nhuận dịch vụ của thị trường viễn thông Việt Nam đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và đạt được 10,1 tỷ USD trong năm 2017, tăng 20% so với mức năm 2012.
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả, triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Về hoàn thiện thể chế: Chất lượng công tác xây dựng pháp luật còn thấp, chưa đúng tiến độ đề ra, tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật vẫn tồn tại ở nhiều bộ, ngành; nhiều văn bản thiếu tính khả thi do không bám sát tình hình thực tế; Bộ máy hành chính nhà nước tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn cồng kềnh, hiệu quả thấp, công tác cán bộ tại nhiều cơ quan nhà nước còn thiếu minh bạch; Việc cắt giảm thủ tục hành chính tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế vẫn tồn tại ở nhiều cấp độ.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Một số văn bản dưới luật liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chậm được ban hành; các cơ chế, chính sách trong thu hút và sử dụng nhân tài, phát triển KHCN chưa tạo được sự đột phá, tình trạng chảy máu chất xám vẫn diễn ra ở nhiều nơi; Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động phân bố không đều: tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp nông thôn và lao động khu vực kinh tế hộ gia đình có xu hướng tăng, trong khi số lượng chủ doanh nghiệp lại giảm mạnh do tình trạng giải thể, phá sản do khó khăn của nền kinh tế; Chất lượng công tác giáo dục và đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 80% nguồn lao động dẫn đến năng suất lao động thấp; Trình độ KHCN của Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới và khu vực:Theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu của WEF năm 2013-2014 về sự sẵn có của các công nghệ mới nhất, Việt Nam xếp hạng 134 (xếp thứ 9 trong số 10 nước khu vực Đông -Nam Á, chỉ trên Mi-an-ma hạng 148). Ứng dụng KHCN trong doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng đội ngũ khoa học chưa cao, trong khi đội ngũ trẻ kế cận luôn thiếu hụt nghiêm trọng.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ: Hạ tầng giao thông đường bộ lạc hậu, kém chất lượng, thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối giữa các vùng; Hệ thống cảng biển, cảng hàng không quy mô nhỏ, năng lực vận tải hành khách và hàng hóa thấp so với khu vực; Hệ thống lưới điện lạc hậu, tổn thất điện năng lớn so với thế giới: tổn thất điện năng của Việt Nam năm 2012 là 9,6%, trong khi bình quân thế giới là 8,4%; Hạ tầng đô thị và nông thôn thiếu đồng bộ, chất lượng kém và quá tải: tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị là 6 đến 8% (cách xa so với quy định là 20 đến 25%); Vận tải công cộng chỉ đáp ứng khoảng 15%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh mới chỉ đạt khoảng 75%, nước sinh hoạt mới được khoảng 30% đạt tiêu chuẩn y tế; tỷ lệ hộ nông dân được cung cấp điện mới chỉ đạt 95,4%; Hạ tầng CNTT và viễn thông phát triển thiếu bền vững, chất lượng dịch vụ thấp.
Nguyên nhân
Thứ nhất, tình hình địa chính trị thế giới và khu vực biến động phức tạp, khó lường trong khi kinh tế thế giới và kinh tế trong nước phục hồi với tốc độ chậm.
Thứ hai, tư duy và nhận thức đối với một số vấn đề quan trọng còn nhiều khác biệt. Trong đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và vai trò của DNNN trong nền kinh tế là vấn đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất. Ngoài ra, một số quan điểm khác biệt giữa Việt Nam và thế giới (chẳng hạn như về nợ công, đóng BHXH) phần nào cản trở công tác điều hành của Chính phủ cũng như quá trình triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, bất cập, trong khi quá trình cải cách thể chế triển khai chậm chạp, kém hiệu quả, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng các văn bản pháp luật thúc đẩy, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu như: Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, Luật Quy hoạch, các cơ chế hoạt động của VAMC, cơ chế sở hữu bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài…
Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực thấp, trình độ KHCN kém phát triển, tụt hậu khá xa so với khu vực và thế giới, trong khi các giải pháp phát triển nhân lực và KHCN chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đây là nguyên nhân tác động mạnh đến khía cạnh “nhân lực” và “hiệu quả, sức cạnh tranh” trong tái cơ cấu nền kinh tế trên cả ba lĩnh vực: ngân hàng, DNNN và đầu tư công.
Thứ năm, hệ thống kết cấu hạ tầng quy mô thấp, lạc hậu, kém chất lượng, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các vùng, miền, trong khi tiềm lực tài chính của đất nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành đã cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nền kinh tế vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi các nhóm lợi ích, vấn nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Những kiến nghị, giải pháp
Để tạo nền tảng cho tái cơ cấu nền kinh tế, các kiến nghị, giải pháp cần được thúc đẩy trong thời gian tới:
Về cải cách thể chế
Chú trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, phát huy tối đa sức mạnh của mọi thành phần kinh tế. Cụ thể, các bộ, ngành, các cấp tích cực đẩy nhanh tiến độ đi đôi với chất lượng xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật đối với tất cả các lĩnh vực quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt hệ thống văn bản pháp lý phục vụ trực tiếp quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, trong đó trước mắt cần tập trung lĩnh vực tiếp dân, thuế, đất đai và hải quan.
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác cán bộ trong đội ngũ công chức nhà nước, đẩy mạnh triển khai thi tuyển chức danh lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước cấp bộ, ngành, địa phương đồng thời sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; từng bước xây dựng nền hành chính công theo hướng hiện đại, minh bạch.
Phát triển nguồn nhân lực
Đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực, theo đó quán triệt quan điểm con người là yếu tố quyết định đến sự phát triển KTXH của đất nước. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển các vùng, miền và các cơ chế đặc thù trong hỗ trợ phát triển các vùng miền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương cần phối hợp để xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực gắn với phát triển KT-XH, trong đó một số vùng trọng điểm như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đề xuất giải pháp cụ thể triển khai Nghị quyết của Chính phủ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các DN ứng dụng KHCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh: Chính phủ sớm ban hành thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 95-2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN của các DN và Nghị định 64-2013/NĐ-CP sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN, chuyển giao công nghệ; Đối với các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật với các DN FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu để từng bước hiện đại hóa công nghệ máy móc đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, kém chất lượng từ Trung Quốc.
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ
Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng tại các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị, thành phố lớn trên cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng cạn vốn đối ứng ODA ở một số lĩnh vực, địa phương đồng thời sớm xác định danh mục chương trình, dự án khả thi đầu tư cho cơ sở hạ tầng KT-XH nhằm tận dụng hết nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…) đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ trong giai đoạn 2016 – 2020.
Đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dưới nhiều hình thức, Chính phủ sớm ban hành Nghị định PPP nhằm đẩy mạnh triển khai các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()