“Bà đỡ” cho người nông dân
LSO- Là một trong những mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, HTX Thiên Phú, thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập đã và đang liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Từ đó, phát huy vai trò là “bà đỡ” cho nông dân, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên.
Bà Hoàng Thị Hùng, Giám đốc hợp tác xã Thiên Phú
kiểm tra chất lượng cây sachi
HTX Thiên Phú được thành lập tháng 3/2016, gồm 15 thành viên với số vốn điều lệ là 300 triệu đồng. Sau 3 năm hoạt động, HTX đã có những thành quả bước đầu trong liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Bà Hoàng Thị Hùng, Giám đốc HTX cho biết: HTX quyết định chọn lĩnh vực hoạt động chính của mình là thu mua nhựa thông vì cây thông là thế mạnh của quê hương, giúp người dân có thu nhập ổn định. Hơn nữa, tôi vốn là người địa phương xuất thân trong gia đình nông dân; với mong muốn giúp bà con, thành viên HTX vươn lên thoát nghèo, tôi quyết định thành lập HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hiện nay, HTX bao tiêu sản phẩm nhựa thông cho bà con thôn Quang Hòa, thôn Nà Van (xã Cường Lợi) với diện tích khoảng 500 ha. Không chỉ vậy, HTX còn mở rộng thị trường khai thác, thu mua sang khu vực các tỉnh Tây Bắc như: Yên Bái 700 ha, Sơn La 200 ha và thu mua tại các tỉnh miền trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh… Đặc biệt, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX đã trồng hơn 100 ha thông tại thôn Quang Hòa, hiện cây thông sinh trưởng và phát triển tốt.
Xác định bao tiêu sản phẩm nhựa thông cho bà con chính là thế mạnh, hoạt động chính đem lại thu nhập cho các thành viên, tạo việc làm cho nhiều lao động, HTX luôn chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX thu mua nhựa thông cho bà con với giá ổn định, thậm chí cao hơn ngoài thị trường nên bà con rất yên tâm.
Bà Lộc Thị Vượng, thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi cho biết: Gia đình tôi có khoảng 2.000 cây thông. Trung bình mỗi ngày, tôi có thu nhập khoảng 200 – 300 nghìn đồng từ khai thác nhựa, từ ngày có HTX Thiên Phú trên địa bàn, tôi thường bán sản phẩm cho HTX bởi họ thu mua giá cao hơn thị trường 200 – 300 đồng/kg, vì vậy, tôi cũng như bà con trong thôn rất tin tưởng bán cho HTX.
Từ hoạt động hiệu quả, HTX tạo việc làm cho khoảng 200 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân sản lượng nhựa thông khai thác hằng tháng đạt khoảng 100 tấn, doanh thu đem lại cho HTX là gần 2 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc trồng, khai thác, bao tiêu sản phẩm nhựa thông, HTX còn liên kết với người dân trong thôn trồng rau, cây sachi, ba kích. Theo đó, HTX vận động người dân trong thôn tham gia mô hình trồng rau với diện tích hằng năm là 2 ha; 4 ha sachi (hiện người dân đang thu hoạch lứa đầu tiên) và 9 ha cây ba kích. Trong đó, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Năm 2018, sản phẩm rau của HTX đã được công nhận sản phẩm rau an toàn, với đầy đủ nhãn mác, xuất xứ, có mã vạch. Năm 2019, HTX được tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị (dự án sản xuất rau an toàn).
Ông Nông Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Trên địa bàn xã có HTX Thiên Phú hoạt động hiệu quả, nhiều người dân trong xã đã tham gia HTX. Từ đó, HTX đã góp phần giải quyết việc làm, từng bước giúp các hộ dân làm quen với hình thức liên kết sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Bà Hoàng Thị Hùng, Giám đốc HTX cho biết thêm: Thời gian tới, HTX hướng đến xây dựng trang trại chăn nuôi, mở của hàng cung cấp thực phẩm sạch cho khách hàng. Vì vậy, HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, tập huấn về phương pháp quảng bá sản phẩm, điều hành, quản lý HTX. Từ đó, giúp hoạt động của HTX ổn định, hiệu quả hơn nữa.
Có thể nói HTX Thiên Phú là mô hình kinh tế xuất phát từ lợi ích của nông dân. Với 70% thành viên HTX là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đây được coi là mô hình kiểu mẫu mà các HTX đang hướng tới.
Ý kiến ()