Bà con các làng dân tộc thiểu số thành phố Kon Tum được hỗ trợ thực hiện giãn dân
Thực hiện đề án giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành, UBND thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ tối đa quyền lợi của nhân dân.
Thực hiện đề án giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành, UBND thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ tối đa quyền lợi của nhân dân.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ đền bù 80% giá trị cây trồng trên đất thuộc khu vực thực hiện đề án theo giá hiện hành; thành phố để lại 80 ha đất trong khu vực này cho phường Trần Hưng Đạo và xã Hòa Bình để địa phương thực hiện việc cấp đất cho các đối tượng thiếu đất ở, đất sản xuất, những hộ canh tác lâu đời, gia đình đông con. Ngoài ra, các hộ còn được xem xét hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận quyển sử dụng đất ở, đất sản xuất bình quân 3.000 m2/hộ, trong đó có 400 m2 đất thổ cư.
Đây là giải pháp mới và được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Trước đó, đa số các hộ dân tại khu vực này đã không đồng tình với phương án cũ, họ tập trung đông người để cản trở việc triển khai đề án vì cho rằng đây là diện tích đất người dân đã khai hoang, sử dụng ổn định. Một số hộ đòi tiền bồi thường đất và cây trồng trên đất… nhưng không được UBND thành phố chấp nhận. Vụ việc gây mất ổn định an ninh nông thôn trong suốt 1 thời gian dài.
Đề án khu giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành thành phố Kon Tum có diện tích trên 241 ha, được thực hiện trên địa bàn xã Hòa Bình. Diện tích này được UBND tỉnh thu hồi từ đất thuê của Công ty Sông Đà 4 và công ty Đức Dung giao cho UBND thành phố quản lí. Năm 1994, chính quyền thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) đã cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức: Tổng đội Thanh niên xung phong, Công ty Sông Đà 4, Công ty Đức Dung trồng rừng. Sau đó, các tổ chức này đã hợp đồng với các hộ dân triển khai trồng rừng. Sau thời gian dài bị buông lỏng quản lí nên hầu hết 241 ha đất khu vực này đã bị các hộ dân lấn chiếm trồng cao su, bạch đàn và cây nông nghiệp. Tại khu vực này, các ngành chức năng cùng các địa phương xác định có khoảng 80 hộ đang canh tác các loại cây, trong đó 29 hộ trồng cây lâu năm, chủ yếu là cao su và bời lời.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()