Ba cải cách mạnh mẽ giúp giảm áp lực cho giáo viên
Một số chính sách đối với giáo viên thời gian vừa qua đã thể hiện những nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong quyết tâm giảm tải áp lực cho giáo viên – lực lượng nòng cốt cho quá trình đổi mới giáo dục.
Giảm tối đa gánh nặng sổ sách
Với con số hơn 1,4 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, các thầy cô giáo chính là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục và quyết định thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Người đứng đầu Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với cam kết sẽ nỗ lực để “giảm áp lực cho giáo viên” đã có những việc làm cụ thể để thực thi quyết tâm này.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm thực thi nghiêm chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2019, gỡ bỏ những quy định về sổ sách không cần thiết, giúp giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích tăng cường sổ sách điện tử nhằm tạo chuyển biến trong việc giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.
Để hạn chế tối đa gánh nặng sổ sách cho giáo viên đầu năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo điều lệ mới, tính tự chủ, dân chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục được tăng cường mạnh mẽ. Vì vậy, sổ sách của giáo viên tiếp tục được giảm thiểu đáng kể.
Thay đổi quy định hội thi giáo viên dạy giỏi
Bộ GD-ĐT đã quyết liệt giảm áp lực cho giáo viên thông qua việc cắt bỏ nhiều cuộc thi không thiết thực đối với học sinh; thay đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi để tạo thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn; thay đổi quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt.
Xoá bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Bởi trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên vẫn tiếp tục phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, dù việc phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực. Sự vất vả tốn kém từ những chứng chỉ này đã khiến giáo viên thêm áp lực, khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp. Để gỡ bỏ khó khăn này cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản để ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập; trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Dự kiến các thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2021.
Ý kiến ()