Autodesk (Hoa Kỳ) mong muốn hợp tác số hóa quản lý dự án giao thông
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Haresh Khoobchadani, Phó Chủ tịch Tập đoàn Autodesk (Hoa Kỳ) về việc áp dụng công nghệ số để quản lý dự án hạ tầng giao thông hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và ông Haresh Khoobchadani, Phó Chủ tịch Tập đoàn Autodesk (Hoa Kỳ) thống nhất sẽ tích cực trao đổi hai bên để hiện thực hóa hợp tác áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực GTVT – Ảnh: mt.gov
Ông Haresh Khoobchadani cho biết, Autodesk cung cấp các sản phẩm thiết kế và tham gia công tác triển khai xây dựng các dự án từ cầu đường đến các dự án về tên lửa. Autodesk có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức thương mại, các cơ quan chính phủ các nước trong việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó hợp tác triển khai dự án hầm tại Na Uy, dự án xây dựng sân bay quốc tế tại Bangalore (Ấn Độ) có sử dụng công nghệ BIM (Building Information Modeling-Mô hình thông tin công trình).
Mong muốn cung cấp giải pháp công nghệ cho Việt Nam
Giới thiệu về ứng dụng BIM, ông Haresh Khoobchadani cho biết, BIM là giải pháp sử dụng công nghệ liên kết dữ liệu để tích hợp thông tin và các mối quan hệ nhằm tạo ra mô hình xây dựng “thông minh” hơn. Autodesk sẽ cung cấp giải pháp trên cơ sở dữ liệu thông qua BIM, giúp các cơ quan Chính phủ có cái nhìn tổng quan, trực quan để ra các quyết định, chỉ đạo, đánh giá được các rủi ro, các lỗ hổng trong triển khai dự án, tiến độ ra sao…
Đặc biệt, người dân cũng có thể truy cập cổng dành cho người dân để nắm bắt thông tin tình hình triển khai dự án so với kế hoạch; nhà đầu tư cũng có thể truy cập ứng dụng để biết dự án có được triển khai như cam kết không, qua đó giúp nâng cao lòng tin của người dân, nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Autodesk chia sẻ, quá trình chuyển đổi số sẽ hiệu quả nếu được tập trung hóa, nghĩa là công nghệ cần được áp dụng chung để tập trung dữ liệu, qua đó giúp cho hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan được nhịp nhàng hơn, đồng thời quản lý được các rủi ro về an ninh mạng.
“Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với Bộ GTVT để có thể áp dụng ứng dụng BIM cũng như cung cấp các giải pháp công nghệ số trong lĩnh vực GTVT; đào tạo nhân lực đối với sinh viên ngành công nghệ thông tin, các cán bộ cơ quan chức năng…”, ông Haresh Khoobchadani chia sẻ.
Thống nhất hợp tác áp dụng công nghệ trong xây dựng công trình giao thông
Chào mừng Phó Chủ tịch Tập đoàn Autodesk đến thăm và làm việc với Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, GTVT và logistics là một trong 8 lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên chuyển đổi số. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã đưa các hoạt động của Bộ GTVT lên môi trường số, hướng tới việc quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu. Trong đó ưu tiên đối với các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và an toàn giao thông.
Đến nay, hơn 70% thủ tục hành chính của Bộ GTVT được cung cấp dưới dạng trực tuyến, trong đó có nhiều dịch vụ cung cấp dịch vụ trực tuyến cho phương tiện thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại các cảng biển, cảng thủy nội địa và các cửa khẩu của Việt Nam.
Bộ GTVT cũng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải, an toàn giao thông. Trong đó, tập trung quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải; quản lý, giám sát hoạt động đào tạo sát hạch và hoạt động của lái xe kinh doanh vận tải nhằm phát triển hoạt động vận tải an toàn, tin cậy, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ trưởng thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, bắt buộc áp dụng BIM đối với các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
“Bộ GTVT mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án và đang khuyến khích các doanh nghiệp, nhà thầu vào quản lý các dự án GTVT ứng dụng, coi đây là điểm ưu tiên khi đấu thầu. Như vậy, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT đang được triển khai rất mạnh mẽ và có rất nhiều cơ hội để ứng dụng các phần mềm, chương trình kỹ thuật trong các hoạt động của Bộ GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng đề nghị, trước mắt Autodesk hỗ trợ Bộ GTVT về việc triển khai thử nghiệm BIM cho một công trình giao thông, có thể là cầu, đường bộ… Từ đó hỗ trợ Bộ GTVT xây dựng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn… để triển khai BIM trong toàn ngành GTVT và các công trình cơ sở hạ tầng GTVT. Bộ trưởng cũng đề nghị Autodesk hỗ trợ Bộ GTVT trong đào tạo các sinh viên trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ GTVT về công nghệ thông tin nói chung và các nội dung về BIM.
Bộ trưởng giao Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam xem xét áp dụng rộng rãi mô hình quản lý xây dựng BIM tại các dự án của Bộ GTVT.
Kết thúc cuộc làm việc, hai bên thống nhất sẽ hiện thực hóa và tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT, nhất là trong chuyển đổi số và xây dựng, quản lý dự án hạ tầng giao thông.
Autodesk, Inc. là một tập đoàn phần mềm đa quốc gia của Mỹ, sản xuất phần mềm cho các ngành công nghiệp kiến trúc, kỹ thuật, xây dựng, sản xuất, truyền thông và giải trí.
Autodesk có trụ sở tại San Rafael, California và Autodesk Gallery trong tòa nhà San Francisco. Autodesk được thành lập năm 1982 bởi John Walker, đồng tác giả của các phiên bản đầu tiên của AutoCAD, phần mềm thiết kế hàng đầu về máy tính (CAD). Doanh thu năm tài chính 2023 của Autodesk là 5,01 tỷ USD; Tổng số người dùng 6 triệu.
BIM (Building Information Modeling – Mô hình thông tin công trình) giúp tạo ra sản phẩm thống nhất và kết nối giữa các lĩnh vực/mảng công việc trong dự án; các nhóm thiết kế làm việc cùng nhau đồng bộ với cốt lõi của hệ sinh thái phần mềm Autodesk; Autodesk Construction Cloud giúp số hóa tất cả thông tin dự án lên đám mây.
Mô hình BIM liên tục cập nhật các dữ liệu phi hình học trong giai đoạn xây dựng để sử dụng trong giai đoạn vận hành. Người vận hành dễ dàng xác minh và truy xuất thông tin dự án một cách nhanh chóng và chính xác.
Ý kiến ()