Australia tăng cường năng lực bảo vệ bí mật quốc gia
Chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 14-9 đã trình Quốc hội nước này dự luật về bảo vệ các bí mật quân sự.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Australia cho biết, cơ quan này đã bắt đầu xây dựng dự luật từ năm 2022. Theo dự luật, các cựu quân nhân của Lực lượng Quốc phòng Australia và cựu công chức của Bộ Quốc phòng nước này cần phải xin phép nếu có ý định làm việc cho quân đội và chính phủ nước ngoài.
Bên cạnh đó, mọi công dân hoặc thường trú nhân Australia tham gia huấn luyện với nước ngoài liên quan đến các hàng hóa, chiến thuật và kỹ thuật quân sự cũng cần phải có được sự cho phép tương tự. Người Australia đang hoặc từng làm việc trong lĩnh vực quốc phòng mà nắm giữ các bí mật quốc gia phải có nghĩa vụ bảo vệ những bí mật đó. Đây là một nghĩa vụ lâu dài và việc tiết lộ bất kỳ bí mật nào trong số đó đều là phạm tội.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles phát biểu tại Hạ viện Australia ngày 6-9-2023. Ảnh: AP |
AP cho biết bất kỳ cá nhân nào vi phạm có thể đối mặt với hình phạt lên tới 20 năm tù giam. Theo tờ The Sydney Morning Herald, dự luật xác định Bộ trưởng Quốc phòng là người có thẩm quyền cấp phép đối với từng trường hợp một cũng như xác định các quốc gia cụ thể nào được miễn áp dụng những hạn chế trên. Tờ The Sydney Morning Herald cho rằng các quốc gia phải kể đến chính là Mỹ, Anh, Canada và New Zealand-những thành viên còn lại trong liên minh tình báo “Ngũ nhãn” cùng với Australia.
Theo Bộ Quốc phòng Australia, nước này vốn có các quy định pháp luật chặt chẽ để bảo vệ những thông tin quốc phòng nhạy cảm. Dự luật trên, nếu được thông qua, sẽ củng cố các quy định pháp luật hiện hành và tăng cường năng lực của Chính phủ Australia trong việc bảo vệ các bí mật quốc gia.
“Quy định mới này sẽ giúp tăng cường an ninh quốc gia của Australia bằng cách bảo đảm các bí mật quân sự của chúng ta vẫn được bảo vệ an toàn. Sự điều chỉnh này là hợp lý, củng cố các quy định luật pháp chặt chẽ hiện có bằng cách tăng cường năng lực của chính phủ trong việc ngăn chặn việc chuyển giao một cách không mong muốn các thông tin quốc phòng nhạy cảm cho quân đội nước ngoài. Điều quan trọng là quy định này không nhằm mục đích cấm các cá nhân từng làm việc trong lĩnh vực quốc phòng tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Vấn đề ở đây liên quan tới việc giữ các bí mật của Australia trong tay người Australia”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nhấn mạnh.
AP cho biết, dự luật được Chính phủ của Thủ tướng Albanese đề xuất trong bối cảnh Australia “làm sâu sắc” việc chia sẻ công nghệ với Mỹ và Anh theo Hiệp ước đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Theo AUKUS, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trên thực tế, các thủy thủ Australia hiện đang tham gia huấn luyện trên các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh.
“Dự luật cũng phản ánh cam kết của Australia trong việc nâng cao các tiêu chuẩn về an ninh để bảo vệ các thông tin và công nghệ nhạy cảm, nhất là khi chúng ta bắt đầu triển khai các nội dung trong khuôn khổ AUKUS. Dự luật là một bước quan trọng hướng tới việc chuyển giao công nghệ suôn sẻ hơn với các đối tác AUKUS”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles phát biểu ngày 14-9.
Tờ The Sydney Morning Herald cho biết, theo các quy định pháp luật hiện hành của Australia, việc công dân nước này đang hoặc từng làm việc trong lĩnh vực quốc phòng tiết lộ các bí mật quân sự mà bản thân nắm giữ được trong thời gian công tác được xem là bất hợp pháp. Tờ The Sydney Morning Herald đánh giá dự luật mà Chính phủ của Thủ tướng Albanese đề xuất “tiến xa hơn” so với các quy định pháp luật hiện hành.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/australia-tang-cuong-nang-luc-bao-ve-bi-mat-quoc-gia-742756
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()