Australia quyết tâm thực hiện kế hoạch sở hữu các tàu ngầm hạt nhân
Chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố quyết tâm thực hiện kế hoạch sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân.
Yahoo News ngày 7-6 đưa tin, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles khẳng định, chính phủ nước này cam kết chi 270 tỷ AUD (khoảng hơn 194 tỷ USD) cho lĩnh vực quốc phòng trong 10 năm tới.
Trong khi đó, theo tờ The Australian, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles cho biết, chính phủ cam kết mức chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng giống như chính phủ tiền nhiệm, song cũng không loại trừ khả năng “tái ưu tiên chi tiêu cho một số chương trình để bảo đảm các năng lực cấp thiết”.
Hôm 1-6 vừa qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles cũng tuyên bố, chính phủ của Thủ tướng Albanese sẽ không cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong kế hoạch ngân sách mới và chi tiêu quốc phòng sẽ được tiến hành một cách “thông minh hơn”. Theo đó, chi tiêu quốc phòng của Australia sẽ ở mức 2% GDP với ưu tiên hàng đầu là dành cho việc mua sắm tàu ngầm.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Marles tuyên bố các tàu ngầm hạt nhân là “nền tảng đối với các lợi ích quốc gia” của Australia. Ảnh: news.com.au |
Tờ The Australian dẫn lời ông Marles khẳng định, Chính phủ Australia “hoàn toàn cam kết làm những gì cần thiết” bởi các tàu ngầm hạt nhân là “nền tảng đối với các lợi ích quốc gia của chúng ta”. “Chúng tôi cam kết sở hữu thế hệ các tàu ngầm tiếp theo, đó là các tàu ngầm hạt nhân.
Đó là một quyết định từng vấp phải sự phản đối và chúng tôi hiểu tác động của nó. Chúng ta phải thực hiện kế hoạch này”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles phát biểu với báo giới ngày 6-6.
Theo ước tính của Viện Chính sách Chiến lược Australia, kinh phí cho việc thực hiện kế hoạch sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân của Australia sẽ vô cùng lớn, lên tới 171 tỷ AUD (tương đương 121 tỷ USD). Ông Marles đánh giá, những tuyên bố trước kia của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton rằng, Australia sẽ sở hữu tàu ngầm hạt nhân đầu tiên vào cuối thập niên 2030 là “không thỏa đáng”.
Vì vậy, ưu tiên cấp bách nhất hiện nay của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles là thu hẹp “khoảng trống năng lực tàu ngầm” từ khi các tàu ngầm lớp Collins “nghỉ hưu” năm 2038 cho đến khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động.
Với việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (gọi tắt là AUKUS), hồi tháng 9 năm ngoái, Mỹ và Anh nhất trí sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Sự ra đời của AUKUS được coi là bước thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của Mỹ, Anh và Australia tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy khu vực này tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của 3 nước.
Riêng đối với Australia, việc tham gia AUKUS được cho là do Canberra cần có sự bảo đảm an ninh chắc chắn, đủ sức làm nghiêng cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho nước này, sẵn sàng đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực. Thủ tướng Anh Boris Johnson khi đó đã gọi AUKUS là một quyết định quan trọng đối với Australia, đồng thời nhấn mạnh rằng, dự án hợp tác sản xuất tàu ngầm hạt nhân sẽ làm cho thế giới an toàn hơn.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Australia xác nhận tại cuộc họp với các thành viên trong phái đoàn của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhóm công tác đặc biệt về tàu ngầm hạt nhân của Australia đã đưa ra cam kết thực hiện các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân cao nhất trong quá trình thực thi thỏa thuận AUKUS. Hai bên cũng đã thảo luận các yêu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để hỗ trợ Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Ý kiến ()