Australia đón lao động tay nghề cao, du học sinh trong nửa cuối năm
Australia sẽ đón nhận lao động tay nghề cao và sinh viên quốc tế trong sáu tháng cuối năm nhưng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ cách ly bắt buộc hiện nay cho đến ít nhất sang năm.
Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 24/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong cuộc họp báo trực tuyến tại Canberra ngày 28/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo nước này sẽ đón nhận lao động tay nghề cao và sinh viên quốc tế trong sáu tháng cuối năm nhưng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ cách ly bắt buộc hiện nay cho đến ít nhất sang năm.
Ông Morrison cho biết phải chờ đến sang năm Australia mới có đủ thông tin và điều kiện để xem xét thay đổi chế độ cách ly hiện nay. Nhiệm vụ bây giờ của chính phủ là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để tạo cơ hội cho những thay đổi trong năm tới.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Australia xóa tan hy vọng những người được tiêm chủng đầy đủ ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp mới COVID-19 ở nước ngoài có thể được giảm thời gian cách ly hoặc được cách ly tại nhà thay vì ở khách sạn khi nhập cảnh nước này.
Theo chế độ cách ly kiểm soát đại dịch hiện nay, tất cả những người nhập cảnh vào Australia phải trải qua thời gian cách ly hai tuần trong một khách sạn dưới sự quản lý của cảnh sát hoặc quân đội.
Nhà lãnh đạo Australia cũng cho hay lao động tay nghề cao và sinh viên quốc tế sẽ bắt đầu đến Australia trong sáu tháng cuối năm.
Trong thời gian qua, một số nghị sỹ và chuyên gia y tế Australia đã kêu gọi Thủ tướng Morrison xem xét lại chế độ cách ly hiện đang được áp dụng trong bối cảnh ngày có nhiều người dân Australia sinh sống ở nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ.
Giáo sư Greg Dore, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Kirby, đề xuất chính phủ liên bang cần áp dụng biện pháp cách ly tại nhà cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh vào Australia từ các quốc gia có số ca mắc COVID-19 thấp và trung bình, như là một bước khởi đầu để hướng tới các mô hình cách ly linh hoạt và mở rộng hơn.
Theo số liệu hiện có ở Australia, số người đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 trong thời gian cách ly sau khi nhập cảnh là rất ít.
Trong số 6.447 khách nhập cảnh được cách ly tại bang Victoria từ ngày 8/4 đến 3/6 năm nay, chỉ có 4 người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine có kết quả dương tính, trong đó chỉ hai người đã được tiêm hai liều, và cả bốn người này đều không cần nhập viện.
Tại bang New South Wales, trong số 449 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận trong thời gian cách ly tại khách sạn, có 11 người (2%) cho biết họ đã được tiêm phòng đầy đủ.
Hiện tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở quốc gia lớn nhất châu Đại Dương với hơn 25 triệu dân mới đạt gần 5%, trong khi số người được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên đã tăng mạnh, vượt mức 7 triệu liều sau các đợt bùng phát dịch mới ở một số địa phương trong những ngày vừa qua.
Tuy nhiên, Australia vẫn chậm hơn so với nhiều nước khác và đứng cuối cùng trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế (OECD) về tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Để đẩy nhanh tiếm độ tiêm chủng, Chính phủ Australia đã mở rộng chương trình tiêm chủng cho những người dưới 40 tuổi và tiêm vaccine của AstraZeneca cho tất cả những người có yêu cầu trong bối cảnh nước này còn 2,6 triệu liều đã sản xuất nhưng chưa sử dụng đến.
Trước đó, giới chức y tế nước này đã khuyến cáo chỉ tiêm vaccine của AstraZeneca cho những người trên 60 tuổi do có nguy cơ gây triệu chứng đông máu hiếm gặp.
Để đối phó với đại dịch COVID-19, Australia đã đóng biên giới quốc gia kể từ tháng 3/2020 và chính phủ nước này cho biết khó có thể mở cửa trở lại cho đến giữa năm sau, tức là sau cuộc bầu cử liên bang./.
Ý kiến ()