Australia chốt số sinh viên quốc tế trong năm sau
Reuters ngày 27-8 đưa tin, Australia sắp tới sẽ giới hạn số lượng sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào nước này trong năm 2025 là 270.000 người.
Đây là động thái mới nhất của chính phủ Australia trong nỗ lực kiểm soát dòng người nước ngoài nhập cư vào nước này trong bối cảnh chi phí sinh hoạt trong nước tăng vọt kể từ đại dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia Jason Clare, hiện số sinh viên quốc tế tại các trường đại học của nước này tăng khoảng 10% so với thời điểm trước khi đại dịch, trong đó riêng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân thì con số này lên tới 50%. Ông cũng cho biết, mục đích của việc giới hạn số lượng du học sinh nhập cảnh vào nước này là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo dựng lộ trình bền vững đối với các du học sinh có nguyện vọng tới Australia học tập trong tương lai.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy, dư luận trong nước đang lo ngại về lượng lớn sinh viên và lao động nước ngoài đổ về gây áp lực quá lớn lên thị trường nhà ở, khiến vấn đề nhập cư nhiều khả năng sẽ trở thành chủ đề nóng bỏng trong cuộc tổng tuyển cử trong năm tới.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Australia, tổng số người nhập cư đạt mức cao kỷ lục trong năm tính đến ngày 30-9-2023, tăng 60% lên mức kỷ lục 548.800.
Trước đây, Australia thực hiện chính sách tăng hạn mức nhập cảnh hằng năm vào năm 2022 để giúp các doanh nghiệp trong nước bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng sau đại dịch. Làn sóng di cư kỷ lục - chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines - đã mở rộng nguồn cung lao động và giảm tải áp lực tiền lương, nhưng lại làm trầm trọng thêm thị trường nhà ở vốn đã khan hiếm trong nhiều năm qua tại xứ chuột túi.
Trong nỗ lực nhằm kiểm soát làn sóng nhập cư, chính phủ Australia tháng trước đã tăng hơn gấp đôi phí cấp thị thực cho sinh viên nước ngoài và cam kết sẽ khắc phục những lỗ hổng trong các quy định cho phép họ liên tục gia hạn thời gian lưu trú.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Clare O’Neil nhấn mạnh: “Chiến lược di cư của Australia vạch ra một kế hoạch rõ ràng nhằm khắc phục những lỗ hổng trong giáo dục quốc tế và đây là bước tiếp theo trong việc thực hiện kế hoạch đó”.
Ý kiến ()