ASEM: Ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững
Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững do Bộ Ngoại giao chủ trì là sáng kiến do Việt Nam đề xuất, được các thành viên ASEAM đánh giá cao, là sáng kiến đầu tiên của ASEM về hành động ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững.
cực đoan của BĐKH
Từ ngày 18-20/6, tại Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững định hướng tương lai.
Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững định hướng tương lai là sáng kiến do Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 tháng 11/2017 vừa qua, đã được nhiều nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ như: Australia, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy. Là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên thứ ba liên quan đến hành động ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững. Hội nghị góp phần đề xuất tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới về ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, góp phần triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, đây là một trong những Hội nghị liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu và là Hội nghị duy nhất của ASEM Việt Nam đăng cai trong năm 2018. Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà cùng tạo điều kiện để Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam tranh thủ ủng hộ và hợp tác, hỗ trợ của các đối tác Á-Âu, thiết thực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước đã chủ động triển khai xây dựng, ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể như ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.”
Các bộ, ngành đã nghiên cứu, đề xuất và xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu, bao gồm Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012, được cập nhật, công bố năm 2016; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; Các cơ chế, chính sách khác về biến đổi khí hậu và vấn đề ưu tiên đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hành động nhằm triển khai thỏa thuận Paris vào Chương trình Nghị sự 20, Nghị sự 30 về biến đổi khí hậu. Mục đích của hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các thành viên ASEM góp phần triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng tranh thủ sự ủng hộ của ASEM để góp phần đảm bảo các lợi ích quan tâm về phát triển bền vững.
Hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 180 đại biểu trong và ngoài nước đến từ 53 thành viên của ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan. Hội nghị bao gồm các hoạt động như Phiên khai mạc và bế mạc, 4 phiên họp toàn thể, tiệc chiêu đãi, tiệc chào mừng, triển lãm bên lề và tham quan thực tế tại địa phương. Mục đích của Hội nghị này nhằm trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của 53 thành viên ASEM, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và bảo đảm các lợi ích, quan tâm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển bền vững.
Đồng thời, tiếp tục phát huy vị thế của Việt Nam trong cộng đồng chung ASEM, tích cực đóng góp vào quan tâm chung của ASEM và nỗ lực quốc tế về ứng phó với BĐKH; chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 (Brussels, từ ngày 18 đến ngày 19/10/2018), kết quả Hội nghị này sẽ được báo cáo tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 12 sắp tới.
Tháng 3/1996, 26 nhà lãnh đạo Á-Âu đã sáng lập Diễn đàn ASEM như một cầu nối gắn kết hai châu lục. Qua hơn hai thập kỷ, ASEM đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, trở thành diễn đàn kết nối, liên kết các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết người dân, doanh nghiệp hai châu lục Á-Âu, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.
Bước vào thập niên thứ ba, trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của cục diện khu vực và thế giới, ASEM đang ở thời khắc chuyển đổi quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ và năng động hơn giữa châu Á và châu Âu để giải quyết hiệu quả những thách thức hiện thời, trong khi vẫn giữ vững các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc của ASEM về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Việt Nam luôn coi trọng và đặt ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối Á-Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các thành viên để xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện đang định hình.
Việt Nam tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đã đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua hơn hai thập kỷ tham gia, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn. Đóng góp nổi bật nhất là Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5 (năm 2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (năm 2001), công nghệ-thông tin (năm 2006), ngoại giao (năm 2009), giáo dục (năm 2009), lao động (năm 2012).
Việt Nam đã đề xuất 23 sáng kiến và đồng tác giả 27 sáng kiến trong các lĩnh vực thiết thực, phù hợp với quan tâm của doanh nghiệp và người dân, như văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy cơ chế hợp tác định kỳ về ứng phó thiên tai và “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực, thúc đẩy các dự án hợp tác địa phương đầu tiên trong ASEM giữa Bến Tre với Tunchêa (Romania), Cần Thơ và Ruxê (Bulgaria).
Trong năm 2017, Việt Nam cũng đã triển khai thành công sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 (Mông Cổ, tháng 7/2016) về “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” (Huế ngày 29-31/3/2017), chủ trì đăng cai thành công Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37 (Đà Nẵng ngày 28/11-1/12/2017).
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()