Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Á – Âu lần thứ 8 (ASEM 8), sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 5-10 tới, tại Thủ đô Brúc-xen, Vương quốc Bỉ. Với chủ đề “Chất lượng cuộc sống, vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân”, ASEM 8 hứa hẹn tạo dấu mốc mới, có ý nghĩa quan trọng, đưa tiến trình hợp tác Á – Âu trở thành mối quan hệ đối tác thế kỷ 21 mạnh mẽ và hiệu quả hơn, xứng tầm với vai trò cầu nối duy nhất giữa hai châu lục Á và Âu.
ASEM – Vận hội mới sau chặng đường 14 năm
Ngày 2-3-1996, lần đầu trong lịch sử, các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu thông qua quyết định “xây dựng mối quan hệ đối tác mới, toàn diện giữa hai châu lục Á và Âu, theo nguyên tắc đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Sự ra đời của Diễn đàn ASEM là minh chứng cụ thể, thể hiện nguyện vọng từ lâu đời của nhân dân hai châu lục muốn thúc đẩy hợp tác, tăng cường hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Tới nay, ASEM đã trải qua bảy kỳ Hội nghị cấp cao, từ 26 thành viên sáng lập, nay ASEM đã trở thành đại gia đình của 48 thành viên, đại diện khoảng 60% dân số thế giới và đóng góp 55% GDP và 65% thương mại toàn cầu. ASEM còn có bốn thành viên tham gia nhóm năm thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và 10 thành viên trong nhóm G20. ASEM cũng xác lập được cơ chế hợp tác thường xuyên, từ cấp cao đến cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng các chuyên ngành, các quan chức cao cấp và các chuyên gia.
Nhìn lại chặng đường 14 năm qua, có thể thấy, mối giao lưu vốn có từ nhiều thế kỷ giữa hai châu lục Á và Âu đã thật sự được nâng lên tầm cao mới. Trên cả ba trụ cột hợp tác là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực khác, hơn 400 hoạt động và hơn 100 sáng kiến với quy mô lớn, nhỏ khác nhau đã được triển khai. Đến nay, đối thoại chính trị luôn được tiến hành trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, tạo cơ sở giúp các quốc gia hai châu lục từng bước chia sẻ nhận thức về các vấn đề thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, tăng cường hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới. Hợp tác kinh tế trong ASEM cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Với những điều kiện thuận lợi và thế mạnh của mình, thông qua các “Kế hoạch Hành động Thuận lợi hóa Thương mại”, “Kế hoạch Hành động Xúc tiến Đầu tư” và Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu, hai châu lục đã không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp và phối hợp chính sách tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng rất đa dạng và ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh, hợp tác về khoa học công nghệ, hợp tác giữa các tổ chức quần chúng thanh niên, sinh viên, các nghị sĩ QH… đã góp phần mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai châu lục.
Hội nghị cấp cao ASEM 8 lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến chuyển sâu sắc và nhanh chóng, dưới tác động của toàn cầu hóa và quá trình tái cấu trúc trật tự kinh tế, chính trị quốc tế. Trước thời cơ và vận hội mới, các thành viên ASEM đang nỗ lực thắt chặt hơn nữa hợp tác, làm cho ASEM đóng góp một cách thiết thực và hiệu quả cho các nước thành viên, đồng thời có vị thế mới, xứng với thế mạnh và vai trò của ASEM. Để thực hiện các mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo đã nhất trí Hội nghị ASEM 8 sẽ tập trung thảo luận những vấn đề lớn toàn cầu và làm sâu sắc hợp tác ASEM.
Thứ nhất, với việc châu Âu tiếp tục phát triển và đẩy mạnh nhất thể hóa, châu Á phục hồi mạnh mẽ, dẫn đầu tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu và gia tăng liên kết kinh tế sâu rộng ở cả cấp độ tiểu vùng và khu vực tạo cơ sở quan trọng để hai châu lục thúc đẩy hợp tác và tăng cường đối thoại. Hai châu lục đang đẩy mạnh phối hợp chính sách và gia tăng hợp tác thúc đẩy cải tổ hệ thống tài chính quốc tế, quản trị kinh tế toàn cầu cũng như ứng phó các thách thức toàn cầu khác, nhất là biến đổi khí hậu, đối phó thiên tai, dịch bệnh… Việc hợp tác trong các vấn đề mới này sẽ góp phần làm cho ASEM trở nên thiết thực hơn, có vai trò và tiếng nói lớn hơn trong cộng đồng quốc tế
Thứ hai, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, cũng như các khu vực khác trên thế giới, ASEM đang tập trung hướng tới những mô hình phát triển bền vững nhằm đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của các thành viên. Điều này thể hiện rõ qua việc ASEM thúc đẩy xây dựng Quan hệ Đối tác Chiến lược Á – Âu vì phát triển bền vững. Với kinh nghiệm và vai trò tiên phong của nhiều thành viên ASEM trong lĩnh vực phát triển bền vững, ASEM có tiềm năng và khả năng hỗ trợ các thành viên trong vấn đề này; và nếu thành công, ASEM sẽ thật sự khẳng định được uy tín và tính thiết thực của Diễn đàn trong việc đáp ứng đúng nhu cầu phát triển bền vững của các thành viên.
Thứ ba, với tiềm năng và vị thế to lớn của Diễn đàn, các thành viên ASEM đều mong mỏi đóng góp nhiều hơn cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu và khu vực, đặc biệt là LHQ, G20, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Sự đóng góp như vậy sẽ góp phần gia tăng sức mạnh nội tại của ASEM, đồng thời nâng cao vị thế của Diễn đàn trên trường quốc tế.
Thứ tư, bên cạnh tăng cường các nội dung hợp tác, các thành viên ASEM đều chia sẻ sự nhất trí cao và đang nỗ lực để tăng cường tính hiệu quả của Diễn đàn, thông qua cải tiến phương thức hoạt động, cơ chế điều phối và sự phối hợp giữa các thành viên. Vai trò của các tổ chức gắn kết với ASEM, như Quỹ Á – Âu và Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu, cũng đang ngày càng được chú trọng để đóng góp tốt hơn cho Diễn đàn ASEM.
Với tất cả những cơ hội mới đang đến, tuy còn gặp không ít thách thức, khó khăn, nhưng ASEM đang đứng trước vận hội mới khi thế giới chuẩn bị bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 8 được kỳ vọng tiếp tục khẳng định vị thế của ASEM, tạo đà để ASEM thúc đẩy xây dựng Quan hệ Đối tác Chiến lược vì phát triển bền vững.
Những đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam
Nhận thức vai trò quan trọng của ASEM, trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức coi trọng vị trí của ASEM với tư cách là một trong số cơ chế đa phương mà Việt Nam là thành viên sáng lập và có nhiều thành viên là các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Do đó, việc tham gia tích cực và chủ động trong ASEM không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước ta, mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể thúc đẩy sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương với các đối tác quan trọng là các nước thành viên ASEM ở châu Âu, Đông – Bắc Á và Đông – Nam Á.
Với chủ trương đó, trong suốt 14 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cụ thể trên cả ba trụ cột hợp tác của ASEM. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng của Diễn đàn, gồm Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 5 (năm 2004), Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 3 (2001), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (2009) và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 2 (2009). Trong vai trò Chủ tịch và chủ trì các Hội nghị lớn này, Việt Nam đã đề xuất và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng, là những dấu mốc mang tính lịch sử và góp phần định hướng tiến trình hợp tác ASEM, như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh” và các quyết định về mở rộng thành viên ASEM.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên ASEM đi đầu trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác Á – Âu. Chúng ta đã đưa ra 12 sáng kiến, đồng tác giả 16 sáng kiến, về các lĩnh vực văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, khoa học – công nghệ, du lịch, kinh tế. Các sáng kiến của Việt Nam được nhiều thành viên đánh giá cao, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEM nói chung và phục vụ nhu cầu phát triển của các thành viên nói riêng, trong đó có Việt Nam. Trong hai năm qua kể từ Hội nghị cấp cao ASEM 7, Việt Nam đã đề xuất và triển khai thành công bốn sáng kiến hợp tác ASEM, gồm: “Hội thảo ASEM về vượt qua khủng hoảng: định hình sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, “Diễn đàn ASEM về An ninh lương thực bền vững”, “Diễn đàn ASEM về Thích ứng với biến đổi khí hậu” và “Phối hợp các hoạt động văn hóa nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM”. Những đóng góp kể trên đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEM, với tư cách là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Diễn đàn. Việt Nam đã được các thành viên tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á – Âu (ASEF).
Tựu trung lại, thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, với phương châm phát triển và xây dựng nền ngoại giao toàn diện, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác ASEM, đồng thời cũng không ngừng khẳng định vai trò tại các tổ chức hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu khác mà Việt Nam là thành viên. Tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 8 sắp tới, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vị thế của mình để đóng góp tích cực vào những nội dung quan trọng của Hội nghị, nhằm góp phần đưa quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á – Âu lên một tầm cao mới, sống động, thực chất và hiệu quả hơn.
Ý kiến ()