ASEAN tiếp nối đà hợp tác vì thịnh vượng chung
Tiếp nối thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Brunei Darussalam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021, Hiệp hội nỗ lực triển khai các chương trình và mục tiêu đề ra, thúc đẩy những sáng kiến mới, phù hợp chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng” trong năm nay. Việt Nam tiếp tục góp phần quan trọng vào những nỗ lực vì thịnh vượng chung.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực tiến trình phục hồi, cũng như hợp tác và hội nhập khu vực, ASEAN duy trì đoàn kết và hợp tác nhằm giữ vững đà xây dựng Cộng đồng. Các nước thành viên đều nhận định, ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN đều ghi nhận những kết quả tích cực. Tiếp nối quyết định của các nhà lãnh đạo ASEAN trong Năm ASEAN 2020, Hiệp hội đã thông qua Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Tinh thần này được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay. ASEAN dự kiến sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để cung cấp vắc-xin cho các nước thành viên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022. Nhằm giảm tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện, các nước ASEAN cùng nỗ lực triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, thúc đẩy thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN…
Bên cạnh triển khai các kế hoạch đã đề ra, Hiệp hội cũng thúc đẩy các sáng kiến, đề xuất mới như: Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD); xây dựng nhận thức chung của ASEAN về kinh tế biển xanh, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy chuyển đổi số…
Về quan hệ đối ngoại, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. ASEAN cũng tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác về ứng phó dịch Covid-19, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin, cũng như hợp tác giải quyết các thách thức chung.
Ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ với các đối tác thời gian qua, ASEAN cũng thúc đẩy mở rộng quan hệ với các đối tác mới. Sau quá trình tham vấn từ năm 2020 với những đóng góp quan trọng của Việt Nam, Anh đã trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 vào tháng 8 vừa qua. ASEAN cũng chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Oman và Đan Mạch; tiếp tục khẳng định các nguyên tắc và giá trị của TAC trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.
Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, sau khi chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN cho Brunei Darussalam, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, đề xuất hợp tác. Theo đề xuất của Việt Nam, Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tới. Phát triển tiểu vùng là một phần không thể tách rời của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, có ý nghĩa quan trọng với các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và phục hồi sau dịch bệnh.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao với các đối tác, chuỗi hoạt động quan trọng nhất trong năm 2021 của Hiệp hội, được kỳ vọng tiếp tục củng cố đoàn kết, phát huy nội lực của ASEAN và đẩy mạnh hợp tác giữa Hiệp hội với các đối tác. Điều này sẽ góp phần tạo đà phục hồi cho các nước thành viên, hướng đến thịnh vượng chung; đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.
Ý kiến ()