ASEAN thu hút nhà đầu tư Nhật Bản
Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) đang hướng nhanh đến việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (EAC), một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN. Sự tăng trưởng kinh tế cũng như tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng tiếp tục đưa ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Nhật Bản.
Hiệp hội các quốc gia Ðông – Nam Á (ASEAN) đang hướng nhanh đến việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (EAC), một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN. Sự tăng trưởng kinh tế cũng như tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng tiếp tục đưa ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Nhật Bản.
Kết quả của cuộc thăm dò gần 500 công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố đầu tháng 12 vừa qua cho thấy, ASEAN tiếp tục là một trong những khu vực có nhiều điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Khu vực này có tới chín nền kinh tế nằm trong tốp 20 điểm đầu tư hấp dẫn nhất của Nhật Bản.
Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản chọn ASEAN là điểm đến trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Thống kê mới nhất của Ban Thư ký ASEAN cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối vẫn tăng mạnh 5,7% và đạt tổng giá trị 2.310 tỷ USD năm 2012, nhờ sự hỗ trợ chủ yếu của khu vực dịch vụ. Việc ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh đã được thể hiện qua mức tăng thu nhập bình quân đầu người trong khối, từ 3.591 USD năm 2011 lên 3.751 USD năm 2012. GDP thực tế của ASEAN năm 2012 tăng 5,7%, cao hơn 1% so mức tăng năm 2011. Về tỷ giá hối đoái quốc tế so sánh, tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP của ASEAN năm 2012 đạt 3.620 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người 5.869 USD, trong đó khu vực dịch vụ trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren – liên đoàn doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản hiện nay với 1.603 thành viên) Y.Hi-rô-ma-xa cho biết, các doanh nghiệp của Nhật Bản thường tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam tìm cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực được coi là thế mạnh của Nhật Bản, như năng lượng, điện tử, xây dựng kết cấu hạ tầng, chế biến nông sản… Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, với mức 200 tỷ yên/năm – đóng góp hơn 30% tổng ODA vào Việt Nam, đồng thời là nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất với hơn 34,5 tỷ USD tổng vốn đăng ký và là đối tác thương mại hàng đầu với tổng kim ngạch song phương hơn 24,6 tỷ USD năm 2012, nhiều khả năng đạt hơn 25 tỷ USD trong năm 2013.
Tại Mi-an-ma, thị trường đang phát triển với khoảng 52 triệu dân cũng thu hút giới doanh nghiệp Nhật Bản. Tháng 8 vừa qua, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản tuyên bố mua lại 49% cổ phần hãng hàng không Mi-an-ma Asian Wings Airways (AWA), thể hiện sự chú trọng đầu tư vào thị trường Ðông – Nam Á đầy tiềm năng và đang phát triển nhanh này. ANA Group, tập đoàn mẹ của ANA cho biết, hãng đầu tư 25 triệu USD vào AWA, đồng thời ANA cũng sẽ hỗ trợ, phối hợp để AWA nâng cao chất lượng, mở rộng ra các thị trường bên ngoài. Ðộng thái thâu tóm cổ phần AWA này dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3-2014. Ðây là lần đầu một hãng hàng không nước ngoài đầu tư vào một nhà chuyên chở thương mại tại Mi-an-ma.
Nhật Bản và Ma-lai-xi-a đang bước vào giai đoạn hai của Chính sách hướng Ðông (LEP) sau 30 năm hợp tác thành công trong giai đoạn đầu. Giai đoạn hai của LEP sẽ được vận hành bằng cách chuyển trọng tâm đầu tư của Nhật Bản sang lĩnh vực công nghệ có giá trị cao có thể tận dụng chương trình chuyển đổi của Ma-lai-xi-a trở thành một quốc gia phát triển. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư chủ yếu của Ma-lai-xi-a với 1.400 công ty hoạt động trong cả nước. Riêng trong ngành sản xuất, đầu tư của Nhật Bản lên tới 22,2 tỷ USD năm 2012.
In-đô-nê-xi-a, với dân số khoảng 240 triệu người, là nền kinh tế lớn nhất, cũng là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất trong ASEAN, vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản. Ðầu tư Nhật Bản chủ yếu rót vào ngành năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo và địa nhiệt, cũng như ngành ô-tô và thương mại của In-đô-nê-xi-a. Chính phủ In-đô-nê-xi-a hy vọng nước này sẽ trở thành một cơ sở sản xuất cho ngành công nghiệp ô-tô Nhật Bản. Hai bên cũng tiếp tục triển khai dự án Khu vực ưu tiên thủ đô (MPA) để mở rộng, nâng cấp Thủ đô Gia-các-ta và việc cấp tín dụng cho những dự án trong khuôn khổ MPA do khu vực tư nhân thực hiện…
Theo Nhandan
Ý kiến ()