ASEAN thiết lập nền tảng cho tương lai
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị liên quan với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” sẽ diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, từ ngày 4-7/9.
Chuỗi hội nghị có quy mô lớn nhất trong lịch sử ASEAN này tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế, và biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Những hiệu suất kinh tế vĩ mô hết sức tích cực
Trong thời gian qua, ASEAN đã đạt được những hiệu suất kinh tế vĩ mô hết sức tích cực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đạt 5,7% nhờ đáng kể vào tiêu dùng, thương mại và đầu tư nội khối; tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và đầu tư đều tăng lên mức kỷ lục, lần lượt đạt 3.800 tỷ USD (tăng 14,9%) và 224,4 tỷ USD (tăng 5,5%), giữa lúc cả thế giới vẫn đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như những bất ổn về địa chính trị. Trong bối cảnh đó, chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ASEAN cũng như với các đối tác nhằm duy trì, củng cố khả năng phục hồi (hiện tại); tận dụng, phát huy các động lực mới (tương lai gần), xây dựng tầm nhìn dài hạn (tương lai xa).
Đây là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN xem xét và cho ý kiến về tiến trình phát triển của khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nước trao đổi, khẳng định các xu thế lớn trong quan hệ, tạo tiền đề cho quá trình hợp tác tiếp theo.
Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục củng cố đoàn kết, độc lập, tự cường và tự chủ chiến lược, tiếp tục giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. ASEAN sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ hai, ASEAN sẽ khẳng định vai trò là trung tâm, tâm điểm tăng trưởng của khu vực thông qua hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục được thực hiện với tầm nhìn đến năm 2045, trong đó phục vụ lợi ích của người dân sẽ là mục tiêu cao nhất được thể hiện qua nhiều khía cạnh cụ thể như bình đẳng giới, tăng cường phát triển cho người khuyết tật… Thứ tư, trong quan hệ với các đối tác, ASEAN sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình thông qua việc duy trì cách tiếp cận cân bằng, cùng các đối tác tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, quy trình và thủ tục của ASEAN.
Cụ thể, với Trung Quốc, là thúc đẩy đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), trong đó có tính đến các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số; thúc đẩy hợp tác sâu hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại điện tử… Với Nhật Bản, là đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng…
Với Hàn Quốc, là nghiên cứu sớm khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA). Với Ấn Độ, là thúc đẩy rà soát, đàm phán Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (AITIGA) kết thúc vào năm 2025, với các tiêu chí thân thiện, đơn giản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với Australia và New Zealand là, thúc đẩy hoàn tất việc ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi FTA giữa ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) trong năm 2023. Với 3 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong ASEAN 3 là, thống nhất phát triển hệ sinh thái xe điện.
Dự kiến, khoảng 50 văn kiện sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận và thông qua, liên quan đến nhiều vấn đề, nội dung xuyên suốt trong cả 3 trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Đây là kết quả của hằng tháng trời đàm phán kéo dài trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
“Trái ngọt” và dấu ấn Việt Nam
Trong năm 2023, với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công chung của các hội nghị của ASEAN. Thông điệp mà Việt Nam muốn truyền tải trong năm nay chính là tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đây cũng chính là sự khẳng định đường lối nhất quán, chủ trương thống nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại. Với tâm thế nói trên, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, Việt Nam luôn thể hiện mong muốn về một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát triển, vững mạnh và là lực lượng hạt nhân trong duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đoàn kết, thống nhất, độc lập, tự lực, tự cường và phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm là những giá trị nền tảng làm nên thành công của ASEAN.
Thứ hai, Việt Nam đã cùng các nước thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm và củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Các đóng góp và đề xuất của Việt Nam được đánh giá là hài hòa, cân bằng, vừa góp phần dung hòa khác biệt giữa các nước, vừa thúc đẩy hợp tác nội khối và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.
Điều này đã đem lại hình ảnh một Việt Nam chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn trong tham gia hợp tác ASEAN. Và thứ ba, một trong những dấu ấn quan trọng của Việt Nam chính là việc thúc đẩy kết nối khu vực trên cả 3 phương diện thể chế, hạ tầng và con người để khai thông các điểm nghẽn hợp tác và khơi dậy tiềm năng phát triển góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ASEAN.
Với tinh thần cốt lõi của ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cũng đã thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và tiểu vùng. Những dấu ấn này của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các nước.
Về các nỗ lực và đóng góp của Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, ngay từ đầu năm 2023, khi Indonesia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ sớm để có thể tham gia, đóng góp hiệu quả cho tất cả các hoạt động của ASEAN.
Tại các hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đều đã góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.
Sẵn sàng cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan
Ngày 3/9, tại Jakarta, Indonesia, các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN đã rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan. Chuỗi hội nghị lần này gồm khoảng 20 hoạt động. Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác sẽ tham gia các sự kiện như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, các Hội nghị cấp cao ASEAN 1 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Canada và Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN 3 và Hội nghị cấp cao Đông Á.
Trưởng SOM các nước ASEAN đã xem xét và cơ bản hoàn tất các dự thảo văn kiện của các Hội nghị cấp cao. Dự kiến trong dịp này, các lãnh đạo sẽ thông qua và ghi nhận gần 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác nội khối cũng như với các đối tác và về một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Điểm lại các hoạt động trong năm 2023, các Trưởng SOM chúc mừng nước Chủ tịch Indonesia, đánh giá cao các ưu tiên thiết thực trong xây dựng Cộng đồng, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, phục hồi kinh tế, đẩy nhanh xu hướng số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững ở khu vực, tạo động lực cho hợp tác ASEAN trong những năm tiếp theo hướng tới hiện thực hóa “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.
Nguồn:https://cand.com.vn/Quoc-te/asean-thiet-lap-nen-tang-cho-tuong-lai-i705922/
Ý kiến ()