ASEAN - Thị trường tiềm năng của hàng Việt Nam
Đứng thứ tư trên thế giới về quy mô, ASEAN là thị trường còn nhiều tiềm năng với hàng Việt Nam. Để tiếp tục khai thác tốt thị trường này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu riêng biệt của từng thị trường nhỏ, có chiến lược sản phẩm tốt nhằm tăng tính cạnh tranh.
Theo Tổng cục Hải quan, so với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã có bước tăng trưởng nhảy vọt, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên 57,5 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam – ASEAN vẫn đạt mức 53,7 tỷ USD, tăng 9,1 lần so với năm 1996, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. 7 tháng của năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và ASEAN đạt 40,9 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020…
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang đánh giá, trên thế giới, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam; còn trong khu vực châu Á, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Đáng chú ý, cơ cấu xuất khẩu từ Việt Nam sang ASEAN đang chuyển dịch tích cực từ các mặt hàng nông, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Năm 2020, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang ASEAN gồm sắt thép các loại; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; điện thoại các loại và linh kiện; gạo; hàng dệt, may; phương tiện vận tải và phụ tùng… 6 thị trường là Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore chiếm khoảng 96% thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN.
Trên thực tế hàng Việt Nam còn nhiều cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN vì khu vực này có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa cùng khoảng cách địa lý gần. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Nguyễn Phúc Nam cho biết, thị trường Thái Lan ưa chuộng mặt hàng trái cây sấy khô và các sản phẩm dệt may của Việt Nam; Indonesia và Philippines có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, thiết bị viễn thông…
Nhiều năm xuất khẩu hàng hóa tới các nước ASEAN, Giám đốc Công ty DACE Việt Nam (quận Long Biên) Trần Văn Hiếu cho biết, đây là thị trường không quá khắt khe lại thuận tiện về vận chuyển, logistics. Ví dụ như, Singapore là nền kinh tế không có ngành Nông nghiệp, nên nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội. Với lợi thế là cửa ngõ ra thế giới, nơi tập trung nhiều tập đoàn đa quốc gia, xuất khẩu tới Singapore giúp hàng Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng lớn trên thế giới.
Để tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu, trong đó thị trường ASEAN với dư địa lớn, dân số gần 700 triệu người, Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Hiện, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tập trung kiểm soát dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, kết nối với các đối tác…
Về dài hạn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang cho biết, Bộ chú trọng tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu và vận dụng đúng các quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Đồng thời, thúc đẩy cơ chế hợp tác để cộng đồng kinh tế ASEAN có thể hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tăng cường thu hút đầu tư. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu Việt Nam – ASEAN trên môi trường trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… là những giải pháp Bộ đang tích cực triển khai.
Để có chiến lược tiếp cận hiệu quả thị trường ASEAN, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Giám đốc Công ty DACE Việt Nam Trần Văn Hiếu cho hay: “Do hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng nên doanh nghiệp cần tập trung chuyên sâu về chế biến để tạo sự khác biệt và vượt trội về chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh và thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này”.
Ý kiến ()