ASEAN tăng cường hợp tác phát triển nghề cá hiện đại và bền vững
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kêu gọi đại diện ngành thuỷ sản các thành viên ASEAN nỗ lực trao đổi, thống nhất kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hợp tác trong cộng đồng ASEAN giai đoạn 2019 – 2020 và thảo luận các vấn đề quan trọng, nổi bật cần quan tâm trong khu vực.
Sáng 27/6, tại Đà Nẵng, Ban Thư ký ASEAN chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp Nhóm công tác nghề cá của ASEAN lần thứ 27 (ASWGFi).
Ước tính khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, trong đó 4/10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thủy sản cũng là một trong 12 ngành/lĩnh vực ưu tiên hội nhập của khu vực với lộ trình tập trung 4 chủ đề chính là an toàn thực phẩm, nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ thông tin.
Các đại biểu tham dự cuộc họp Nhóm công tác nghề cá của ASEAN lần thứ 27 (ASWGFi).
Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản với tiềm năng mang lại giá trị lớn cả về phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội. Tuy nhiên, phần lớn nghề cá của các quốc gia thành viên vẫn đang trong quá trình phát triển từ thủ công, quy mô nhỏ sang nghề cá hiện đại, quy mô công nghiệp và bền vững.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thủy sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là việc cung cấp lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi đại diện ngành thuỷ sản các thành viên ASEAN nỗ lực trao đổi, thống nhất kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hợp tác trong cộng đồng ASEAN giai đoạn 2019 – 2020 và thảo luận các vấn đề quan trọng, nổi bật cần quan tâm trong khu vực; đưa ra định hướng phát triển nhằm xây dựng chính sách phát triển thuỷ sản trong khu vực bền vững, có trách nhiệm, hiệu quả và bảo đảm an ninh lương thực.
Thời gian qua, các quốc gia ASEAN đã có nhiều sáng kiến để cùng chung tay xây dựng cơ chế hợp tác phát triển nghề cá khu vực hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và hiệu quả.
Nối tiếp các vấn đề được thảo luận từ những hội nghị trước, trong chuỗi sự kiện năm 2019 diễn ra tại Đà Nẵng, đại diện các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục trao đổi các vấn đề về chống hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác IUU và hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững; truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác và nuôi trồng thủy sản; ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới khai thác và nuôi trồng thủy sản trong khu vực; xây dựng các chính sách phát triển thủy sản bền vững trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và hài hòa các biện pháp kiểm dịch động thực vật trong khu vực; nâng cao năng lực quản lý nghề cá, đặc biệt là thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác IUU của FAO (Hiệp định PSMA).
Cuộc họp kéo dài đến hết ngày 29/6. Trước đó, cũng tại Đà Nẵng, Ban Thư ký ASEAN chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN ngày 24/6; Diễn đàn tham vấn về Thủy sản ASEAN từ ngày 25 – 26/6./.
Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn đạt những thành tựu đáng kể. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 7,74 triệu tấn, tăng 18,2% so với năm 2015. Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 01/01/2019 là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi nghề cá của Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng các thị trường thế giới, yêu cầu hội nhập quốc tế; trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; quản lý và sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác thủy sản có trách nhiệm, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh môi trường…/. |
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()