ASEAN Para Games 2022: Những 'VĐV áo trắng' và thành tích thầm lặng
Đi theo các vận động viên tham dự ASEAN Para Games, các bác sỹ – những người được gọi là “vận động viên áo trắng” cũng thường xuyên tất bật giữa các địa điểm thi đấu và nơi ăn ở của vận động viên.
Trong nỗ lực tự phá kỷ lục của chính mình thiết lập năm 2017 với mức cử 182kg ở lượt thứ hai tại trận chung kết hạng cân 54kg ở Đại Hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 diễn ra từ ngày 31/7 đến ngày 6/8 tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java của Indonesia, đô cử Nguyễn Bình An của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đột ngột thét lên đau đớn.
Đội ngũ nhân viên y tế nhanh chóng lao lên sàn đấu tiến hành sơ cứu, trong khi nhóm nhân viên hỗ trợ lập tức dàn hàng ngang nhằm ngăn những hình ảnh đó lọt vào ống kính của giới truyền thông.
Kết quả thăm khám tại chỗ cũng như chụp cộng hưởng từ (MRI) tại bệnh viện cho thấy vận động viên 37 tuổi này bị bong dây chằng vai trái, khuyến cáo tránh vận động nặng và nghỉ ngơi một thời gian.
Đó là một trong những tình huống mà Tổ y tế bao gồm ba thành viên do bác sỹ chuyên khoa II Lương Văn Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, đứng đầu phải phối hợp can thiệp, xử lý cùng các bác sỹ của Ban tổ chức ASEAN Para Games.
Với 153 thành viên, trong đó có 120 vận động viên ở nhiều hạng thương tật tham gia thi đấu 8/12 môn thể thao của Đại hội lần này, ba “vận động viên áo trắng” cũng thường xuyên tất bật giữa các địa điểm thi đấu và nơi ăn ở của các vận động viên.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Indonesia, bác sỹ Lương Văn Sinh, người trong nhiều năm qua luôn theo sát thể thao khuyết tật Việt Nam từ công tác chăm sóc y tế đến hỗ trợ phân loại thương tật cho các vận động viên tại các giải trong nước và quốc tế, cho biết kỳ Đại hội lần này ở Surakarta có nhiều đặc thù và khác biệt, nhất là đại dịch COVID-19, khiến công việc của Tổ y tế cũng bận rộn và phức tạp hơn nhiều.
Vấn đề dịch bệnh đã được Tổ y tế dự báo trước và đã có hỗ trợ, tư vấn cho các vận động viên ngay từ trước khi bước chân lên máy bay sang Indonesia. Kết quả xét nghiệm trong những ngày đầu đã phát hiện 4 trường hợp dương tính ở đội tuyển cờ vua và cầu lông.
Tổ y tế đã phối hợp với lãnh đạo đội, trưởng đoàn hỗ trợ kịp thời cho các vận động viên, đề xuất phòng cách ly, có chế độ ăn uống và sử dụng thuốc phù hợp. Nhờ đó, cả 4 trường hợp dương tính đều không có triệu chứng nặng và hiện đã bình phục, kịp thời tham gia thi đấu.
Nhằm tránh dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng lực của các vận động viên, Tổ y tế cũng tập trung theo dõi, an ủi, động viên, hỗ trợ cách ly, bố trí ăn uống tại chỗ, đồng thời ổn định tâm lý, tránh tâm ý dao động ở các vận động viên.
Trong khi đó, các vận động viên cũng được khuyến cáo, nhắc nhở không đi lại nhiều, tuân thủ quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và hạn chế tụ tập đông người.
Theo bác sỹ Lương Văn Sinh, ngoài thời gian chuẩn bị trước cho giải đấu ngắn, công tác hỗ trợ đoàn lần này cũng có điểm khác biệt. Ban tổ chức thay đổi cách bố trí nơi ở và địa điểm thi đấu, không tập trung đoàn cùng một khách sạn mà phân chia theo bộ môn thi đấu, gây khó khăn cho việc chăm sóc các vận động viên.
Tổ y tế đã phải phân chia phụ trách theo khu vực ăn ở, tập luyện và các địa điểm thi đấu để có thể theo dõi, hỗ trợ nhóm y tế của Ban tổ chức, đồng thời sát cánh động viên, khích lệ tinh thần thi đấu của các vận động viên.
Cho tới thời điểm này, ngoài trường hợp chấn thương của đô cử Nguyễn Bình An và 4 ca mắc COVID-19 nói trên, các vận động viên người khuyết tật Việt Nam chỉ gặp một số vấn đề về sức khỏe thông thường. Do chưa kịp thích ứng, một số người gặp vấn đề về đường ruột, hay thay đổi không khí ảnh hưởng tới hô hấp, song đều kịp thời bình phục, đảm bảo đủ sức khỏe, sẵn sàng cả thể lực lẫn tâm lý lên sàn thi đấu.
Chia sẻ về “duyên” gắn bó với thể thao người khuyết tật, bác sỹ Lương Văn Sinh cho hay cá nhân ông đã có nhiều thời gian công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vận động viên khuyết tật, do đó thường xuyên được lãnh đạo Hiệp hội Paralympic Việt Nam tin tưởng mời tham gia hỗ trợ đoàn ở các giải đấu trong nước cũng như quốc tế trong rất nhiều năm qua.
Vị bác sỹ già khả kính tâm sự rằng các vận động viên thường bị khuyết tật vận động và phải di chuyển khó khăn bằng xe lăn.
Trong các đợt du đấu, Tổ y tế đều phải dự trù thuốc men, dụng cụ phù hợp và phải có mặt kịp thời để xử lý các trường hợp ốm đau, chấn thương.
Bên cạnh đó, Tổ y tế còn đóng vai trò “bác sỹ tâm lý” bằng cách gần gũi, động viên, nắm bắt tâm tư tình cảm của các vận động viên khuyết tật vì họ có tâm sinh lý riêng.
Về những kỷ niệm trong các đợt du đấu, bác sỹ Lương Văn Sinh kể lại rằng có những vận động viên bị sốt cao ngay trước giờ thi đấu, các “bác sỹ riêng” phải túc trực chăm sóc, động viên, thậm chí kèm tới tận nơi để các em có thể ra sân tranh tài, tránh uổng phí thành quả tập luyện lâu dài.
Ngoài ra, có những vận động viên lớn tuổi, ngoài khuyết tật còn có các bệnh lý nền khác, các bác sỹ trong Tổ y tế phải thức trắng đêm theo dõi huyết áp, kiểm tra sức khỏe tới tận khi họ bước ra sân thi đấu.
Vận động viên điền kinh Trịnh Công Luận, người từng tham gia thi đấu ở nhiều kỳ Para Games và có nhiều thành tích ở 3 nội dung ném đĩa, ném lao và đẩy tạ, cho biết các vận động viên khuyết tật đều có những bệnh khác nhau. Khi đi thi đấu quốc tế, khí hậu thay đổi khiến nhiều người chưa thích ứng kịp, dẫn đến mắc bệnh, trong đó đơn giản nhất là cảm cúm. Do vậy, trong mỗi lần đi thi đấu, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đều được bố trí các bác sỹ để chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe.
Cũng theo anh Luận, việc cử các bác sỹ trong nước theo đoàn trong mỗi lần du đấu tạo điều kiện cho việc hỗ trợ sức khỏe cho các vận động viên do hiểu rõ, nắm sâu chuyên môn và tâm sinh lý của từng người.
Mặt khác, các bác sỹ này còn tham gia hỗ trợ, động viên tinh thần và là chỗ dựa vững chắc cho các vận động viên khuyết tật trong tập luyện cũng như thi đấu, góp phần trực tiếp vào từng tấm huy chương của các vận động viên./.
Ý kiến ()