ASEAN - Một thực thể kinh tế ổn định, năng động, thích ứng cao
Ngày 9/6, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ ASEAN” đã diễn ra tại Hà Nội do Học viện Ngoại giao phối hợp với Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và Quỹ Konrad Adenauer (KAS) đồng tổ chức.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp những ý tưởng, sáng kiến mới, đánh giá những cơ hội và thách thức đặt ra cho ASEAN trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, đề xuất các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN.
ASEAN – Một thực thể kinh tế ổn định và năng động
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN ghi vào lịch sử của mình những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng từ ngày 31/12/2015 với đầy đủ ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Dấu mốc bản lề này đã giúp ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh ASEAN hiện nay là một thực thể kinh tế ổn định và năng động, có khả năng thích ứng cao trước các chuyển biến của khu vực và thế giới. Với hơn 625 triệu dân, Cộng đồng ASEAN là một thị trường giàu tiềm năng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tổng GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, đứng thứ 7 thế giới; tổng thương mại hàng năm trên 1.000 tỷ USD và có FTA với tất cả các đối tác lớn của khu vực.
ASEAN cũng đang giữ vai trò kết nối quan trọng ở khu vực nhờ thành công trong quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài, nhất là các nước lớn, góp phần xây dựng và định hình cấu trúc khu vực thông qua các tiến trình, cơ chế và diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt.
Giáo sư-tiến sỹ Suchit Bunbongkarn, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Thái Lan, cho rằng trong 50 năm qua, ASEAN trải qua những thăng trầm. Tuy nhiên, khối đã vượt qua và trở thành một cộng đồng chung.
ASEAN đang nỗ lực thông qua nhiều quá trình tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa. Tuy nhiên, ASEAN tiếp tục đối mặt với tình hình an ninh ngày càng khó lường cả ở góc độ truyền thống và phi truyền thống tại châu Á-Thái Bình Dương do bối cảnh chính trị và an ninh biến động trong khu vực.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá, vượt qua những chuyển biến lớn, phức tạp và sâu sắc trong tình hình quốc tế và khu vực năm thập kỷ qua, ASEAN đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề Brexit và nhiều thách thức khác, các điểm nóng tại châu Á-Thái Bình Dương diễn biến phức tạp, thành công và sức sống của ASEAN càng được thể hiện rõ nét thông qua vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Cần đoàn kết và khả năng thích ứng cao
Tình hình thế giới và khu vực bước sang thế kỷ 21 diễn ra những chuyển biến phức tạp và khó lường, trong đó đáng chú ý là sự chuyển dịch cán cân quyền lực giữa các nước và trung tâm lớn. Cùng với những thay đổi địa chiến lược, nổi lên hàng loạt thách thức và nhân tố mới như làn sóng bạo lực cực đoan và khủng bố quốc tế; chủ nghĩa dân túy và bảo hộ gia tăng; các điểm nóng ngày càng nóng hơn; tập hợp lực lượng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc cũng dần trở nên gay gắt ở một số khu vực.
Tại Hội thảo, thảo luận về chặng đường 50 năm sắp tới, những cơ hội đang rộng mở, các học giả cho rằng, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì và phát huy những thành tựu ấn tượng của 50 năm qua như: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế bảo hộ… Điều đó đòi hỏi Cộng đồng ASEAN cần đoàn kết, có khả năng thích ứng và ứng phó với những thách thức.
Để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, Đại sứ Claro Suarez Cristobal, Giám đốc, Học viện Ngoại giao Philippines đề xuất cần đầu tư phát triển con người. Đầu tư vào thế hệ trẻ để các mục tiêu và khát vọng của một Cộng đồng ASEAN sẽ đạt được sớm hơn. Đầu tư vào thế hệ trẻ có thể giải quyết các vấn đề khác mà chưa phổ biến. Chuẩn bị cho họ bằng cách phát triển các kỹ năng và kiến thức công nghệ. Đánh giá chất lượng giáo dục tại tất cả 10 nước thành viên, khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao trình độ công nghệ cho giới trẻ. Giáo dục không nên chỉ đơn thuần cung cấp thông tin một chiều mà nên hướng đến tư duy sáng tạo.
Cho rằng những chuyển động không ngừng của thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng mang lại cho ASEAN nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đan xen, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh ASEAN đứng trước yêu cầu phải tìm ra các giải pháp để ứng phó hiệu quả và bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu của mình trong bốn vấn đề chính xây dựng Cộng đồng vững mạnh, thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và tiếng nói của ASEAN trên thế giới; đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối và thúc đẩy thương mại, tăng khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của ASEAN; thúc đẩy an sinh xã hội, gia tăng gắn kết người dân và giá trị Cộng đồng.
Đánh giá trước kia, các nước ASEAN là những nước nghèo, chậm phát triển, nhưng nay ở những mức độ khác nhau đều đã thay đổi, có những nước trở nên phồn vinh, có vai trò lớn về kinh tế trên thế giới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra bốn bài học để ASEAN phát triển: Thứ nhất, ASEAN hay bất cứ khu vực nào cũng không thể phát triển được nếu cứ xung đột. Thứ hai, bất kỳ quốc gia nào cũng không thể phát triển được trong sự cô lập, các quốc gia chỉ có thể phát triển nếu liên kết với nhau trong khu vực và hội nhập với thế giới. Thứ ba, các nước chỉ có thể mạnh nếu liên kết với nhau. Thứ tư, ASEAN chỉ có thể thành công nếu tự lực tự cường, giữ được độc lập, không biến mình thành sân chơi hay quân bài trong tay người khác.
Nếu muốn tiếp tục vai trò trung tâm trong thúc đẩy hợp tác an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, giáo sư-tiến sỹ Suchit Bunbongkarn cho rằng ASEAN cần tăng cường năng lực qua các biện pháp. Một là năng lực của ASEAN liên quan đến sức mạnh của mỗi quốc gia thành viên trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN phải có cam kết mạnh mẽ đối với lợi ích của ASEAN, nhất là đối với hòa bình và ổn định; phải có quyết tâm chính trị để cùng nhau giải quyết các vấn đề ASEAN đối mặt; cân bằng lợi ích khu vực hay lợi ích ASEAN với lợi ích quốc gia; khuyến khích sự tham gia của người dân và xã hội vào quá trình hòa bình và ổn định an ninh./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()