ASEAN-Liên hợp quốc rà soát tiến độ triển khai các dự án hợp tác
Liên hợp quốc đã và đang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp ASEAN trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực của Ban Thư ký ASEAN…
Ngày 1/9, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự cuộc họp giữa Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) với Liên hợp quốc theo hình thức trực tuyến.
Tham dự cuộc họp về phía Liên hợp quốc có ông Khaled Khiari, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách chính trị và các hoạt động gìn giữ hòa bình; ông Ramesh Rajasingham, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và các đại diện cấp cao từ các cơ quan của Liên hợp quốc như Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Đây là cuộc họp thường niên cấp Đại sứ giữa ASEAN và Liên hợp quốc nhằm rà soát tiến độ triển khai các dự án và hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Liên hợp quốc đánh giá tích cực về những bước phát triển quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc, trong đó có việc duy trì tiếp xúc Cấp cao tại các Hội nghị Cấp cao của ASEAN với các Đối tác và cấp Bộ trưởng nhân dịp các kỳ Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Đặc biệt, hai bên đã triển khai 114/140 dòng hành động, tương đương 81,4% các hoạt động hợp tác của Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2025 trải đều trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.
Liên hợp quốc đã và đang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp ASEAN trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực của Ban Thư ký ASEAN cũng như các lĩnh vực Liên hợp quốc có thế mạnh như gìn giữ hòa bình, giải quyết khủng hoảng thiên tai, bình đẳng giới, hội nhập kinh tế, phát triển bền vững…
Cuộc họp dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình ứng phó đại dịch COVID-19 trong khu vực và toàn cầu, đặc biệt nhấn mạnh việc tiếp cận vaccine một cách bình đẳng.
Liên hợp quốc bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của ASEAN, mong muốn hỗ trợ ASEAN nhiều hơn nữa trong triển khai Khung phục hồi hậu COVID-19 của ASEAN, cứu trợ nhân đạo trong khủng hoảng tại Myanmar, cũng như các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số; phụ nữ, hòa bình và an ninh; lồng ghép giới; hành động vì khí hậu; an ninh mạng…
Liên hợp quốc hoan nghênh cam kết của ASEAN giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Trong bài phát biểu, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nhắc lại đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh biển ngày 9/8/2021 về việc thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung.
Trong thời gian tới, ASEAN và Liên hợp quốc nhấn mạnh tiếp tục đưa quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN-Liên hợp quốc vào chiều sâu, thực chất và cam kết phối hợp chặt chẽ thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Liên hợp quốc tiếp tục cử các chuyên gia hỗ trợ ASEAN thông qua các hội thảo, khóa đào tạo, tăng cường năng lực trên các lĩnh vực như chuyển đổi số; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh mạng; thúc đẩy quản trị, quyền con người; trao quyền phụ nữ; hội nhập kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh năng lượng, lương thực, bảo vệ rừng; phối hợp triển khai các mục tiêu của Chương trình 2030 về phát triển bền vững; hỗ trợ nhân đạo; giải quyết thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu; giáo dục; y tế và hợp tác giữa 2 Ban thư ký./.
Ý kiến ()