ASEAN kiên định với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
‘ASEAN cần tiếp tục thận trọng khi xây dựng và đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm vừa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế khôi phục trở lại trạng thái bình thường…’
“Kiên định với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường ổn định và hội nhập tài chính trong khu vực ASEAN, bất chấp những bất ổn do đại dịch COVID-19,” đó là một trong những nội dung tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 6 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, ngày 2/10, tại Hà Nội.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ
Thảo luận về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã trao đổi quan điểm về những rủi ro và thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu và khu vực.
Các đại biểu nhận định các hoạt động kinh tế bị kiểm soát, thu hẹp đáng kể và là yếu tố dẫn tới tăng trưởng âm của ASEAN trong năm 2020. Tuy nhiên, những gián đoạn do đại dịch gây ra đã cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế khu vực trước các cú sốc.
Bên cạnh đó, hội nghị cùng chia sẻ quan điểm dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp và đây là rủi ro lớn nhất đối với phục hồi nền kinh tế khu vực trong năm 2021.
Theo đó, đại diện các tổ chức quốc tế cũng cho rằng cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ-ngân hàng ASEAN cần tiếp tục thận trọng khi xây dựng và đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm vừa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế khôi phục trở lại trạng thái bình thường, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính-ngân hàng trong nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đại biểu thống nhất cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… trong dịch vụ tài chính, ngân hàng. Đây được coi là nhân tố quan trọng sẽ góp phần hướng tới nền kinh tế ASEAN phát triển toàn diện, bền vững, có khả năng chống chịu lại các cú sốc tương tự như dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, các đại diện cũng nhất trí hợp tác tài chính khu vực là một trong những yếu tố then chốt giúp các quốc gia tăng cường năng lực ứng phó với tác động của các bất ổn kinh tế thời gian tới đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bao trùm, bền vững.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng tái khẳng định các cam kết để đảm bảo dòng chảy liên tục của hàng hóa và dịch vụ và tin tưởng rằng đoàn kết, hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch cũng như khôi phục tăng trưởng khu vực.
“Những cam kết tiếp tục thực hiện các ưu tiên hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực cùng với các tổ chức tài chính quốc tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường ổn định tài chính trong khu vực ASEAN,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tự do hóa dịch vụ tài chính
Tại tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ghi nhận tiến độ triển khai của các nhóm công tác. Về phát triển thị trường vốn, Hội nghị ghi nhận và phê duyệt “Báo cáo Thúc đẩy Tài chính Bền vững trong ASEAN” với nhiều khuyến nghị có giá trị cho các nước thành viên.
Về tự do hóa dịch vụ tài chính, Hội nghị ghi nhận kết quả đàm phán của Ủy ban Công tác về Tự do hóa Dịch vụ Tài chính về Gói cam kết dịch vụ tài chính thứ 9 thuộc Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) và khuyến khích các nước thành viên đạt được các cam kết quan trọng và có ý nghĩa hơn về dịch vụ tài chính, vì đây sẽ là gói cam kết cuối cùng trước khi chuyển sang ATISA (Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN).
Với Diễn đàn Bảo hiểm ASEAN, Hội nghị cũng thông qua dự thảo sửa đổi Lộ trình cho Khuôn khổ hội nhập bảo hiểm ASEAN (AIIF).
Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực
Về ngân hàng, hội nghị đánh giá cao các kết quả hợp tác của các nhóm công tác trong lĩnh vực ngân hàng khi đã đạt hầu hết mục tiêu hoạt động đặt ra từ đầu năm 2020, trong đó nổi bật là sáng kiến ưu tiên hợp tác của trụ cột kinh tế của năm quốc gia ASEAN 2020 về thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực.
Các Thống đốc đã thông qua nhiều sáng kiến hợp tác, bao gồm Báo cáo nghiên cứu Vai trò của ngân hàng trung ương đối với rủi ro khí hậu và môi trường; Thông cáo về Chương trình nghị sự ngân hàng bền vững ASEAN; Sáng kiến Các nguyên tắc ngân hàng bền vững ASEAN; Sáng kiến Mạng lưới chia sẻ thông tin và tăng cường an ninh mạng (CRISP).
Trong số đó, Sáng kiến Các nguyên tắc ngân hàng bền vững là sáng kiến ASEAN do Việt Nam đề xuất nhằm hướng tới xây dựng các nguyên tắc chung có tính bền vững cho hoạt động của các ngân hàng khu vực ASEAN.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nhấn mạnh rằng các Bộ trưởng và Thống đốc cam kết tiếp tục đẩy mạnh hội nhập tài chính-tiền tệ khu vực. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ khu vực ASEAN vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Các Nhóm công tác về hợp tác tài chính-ngân hàng cơ bản vẫn đảm bảo triển khai theo đúng tiến độ, đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra, cũng như yêu cầu chỉ số hoạt động của nhóm.
Như vậy, hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 dưới sự chủ trì của Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp.
“Các nước thành viên đánh giá cao công tác tổ chức và chủ trì, điều hành Hội nghị của Việt Nam trong năm 2020 và hy vọng Hội nghị lần thứ 7 sẽ được tổ chức thành công dưới sự chủ trì của Brunei vào năm 2021,” Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết./.
Ý kiến ()