ASEAN đẩy mạnh thu hút vốn tư nhân lấp khoảng trống đầu tư hạ tầng
Cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á sẽ tạo ra nhu cầu tài chính đáng kể và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút nguồn vốn tư nhân để lấp khoảng trống này.
Đây là lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đưa ra ngày 5/4.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ tám về tài chính cơ sở hạ tầng do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Chính phủ Singapore và tờ Thời báo Tài chính (Anh), Bộ trưởng Heng Swee Keat nhấn mạnh những cơ hội phát triển này sẽ đến khi các quốc gia thành viên cam kết triển khai mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đồng thời với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở khu vực.
Ông Heng Swee Keat dẫn chứng số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy nhu cầu đầu tư cơ sở của ASEAN sẽ lên tới khoảng 2.800 tỷ USD từ nay đến năm 2030, tương đương 184 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, hiện phần lớn trách nhiệm về chi phí cơ sở hạ tầng vẫn đang đè nặng lên vai của các chính phủ. Vì vậy, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tăng trưởng, ASEAN cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Ông nêu rõ: “Có một cơ hội thực sự để thu hút các nhà đầu tư tổ chức dài hạn vào tài trợ cơ sở hạ tầng. Song, ASEAN phải cam kết và thống nhất lồng ghép cơ sở hạ tầng như một loại tài sản hữu hình để thu hút vốn tư nhân.”
Trên cơ sở đó, Singapore đã đề xuất ba phương thức khai thác thị trường vốn tư nhân để tài trợ cơ sở hạ tầng, bao gồm: cải thiện tính minh bạch, nâng cao khả năng thanh toán và tăng cường hệ thống dữ liệu về các cơ hội và dự án đầu tư trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Heng Swee Keat, nhận thức rõ hơn về cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực là chìa khóa mở rộng sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này.
Bộ trưởng Heng Swee Keat cho biết hiện Singapore đã thành lập Văn phòng Cơ sở hạ tầng châu Á nhằm phát hành trái phiếu để tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như phát triển thị trường trái phiếu dài hạn trong khu vực ASEAN.
Mặt khác, văn phòng này cũng hỗ trợ xây dựng các tiêu chí cơ sở hạ tầng của ASEAN và thúc đẩy việc đưa các dự án của khu vực vào hệ thống tiêu chuẩn và chỉ số toàn cầu…
Chia sẻ quan điểm này, các bộ trưởng ASEAN cho rằng việc nỗ lực huy động nguồn lực tư nhân, bên cạnh đầu tư công và các khoản tài trợ của nước ngoài, vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu là vô cùng quan trọng.
Các bộ trưởng nhấn mạnh cần phải thiết lập một khuôn khổ pháp lý thuận lợi, chính sách rõ ràng và đồng nhất, cam kết lâu dài để các nhà đầu tư tư nhân yên tâm bỏ vốn vào các công trình hạ tầng.
Trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể đóng vai trò bảo lãnh hoặc đồng tài trợ để các doanh nghiệp tư nhân chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh huy động vốn, các định chế tài chính lớn như WB hay ADB cũng cần chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao năng lực cho các cơ quan và doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định và triển khai nhằm đảm bảo việc xây dựng dự án tốt và phân bổ rủi ro thích hợp.
Là một trong những quốc gia luôn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc làm thế nào để thúc đẩy các dự án hợp tác công-tư (PPP) cũng như tăng khả năng thu hút các nguồn vốn cho lĩnh vực quan trọng này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Chính phủ Việt Nam cam kết duy trì môi trường đầu tư ổn định, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp như sửa đổi, bổ sung Nghị định về BOT và PPP; nghiên cứu để sớm xây dựng và ban hành Luật Đầu tư PPP trong đó quy định cụ thể trình tự, quyền hạn và trách nhiệm, thẩm quyền của các bên; ban hành Nghị định về Trái phiếu xanh, cũng như thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện…
Các chuyên gia WB cho rằng đối với các tổ chức khu vực như ASEAN, việc thúc đẩy sự kết nối giữa các quốc gia thành viên là vô cùng cần thiết để thúc đẩy phát triển thông qua tăng cường dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, viễn thông và công nghệ và các sáng kiến cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, đặc biệt là về giao thông vận tải, có vai trò chính trong nỗ lực này.
Do vậy, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như cải cách khu vực ngân hàng, phát triển thị trường vốn trong nước, thu hút đầu tư theo mô hình PPP… để thu hút mạnh mẽ nguồn tài chính tư nhân hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, tăng cường liên kết trong khu vực./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()