ASEAN cần thúc đẩy hợp tác sử dụng bền vững than bùn, giảm khói mù
Theo đại diện BMKG, tình trạng khô hạn kéo theo việc xuất hiện các điểm nóng mang đến những nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và cháy đất gây ra khói mù và làm giảm chất lượng không khí.
Theo Cơ quan Khí hậu, Khí tượng và Địa vật lý (BMKG) của Indonesia, hiện nay hầu hết các khu vực của Indonesia và một số quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) đang trải qua thời kỳ có gió mùa Australia, với đặc trưng khô, thổi từ phía Đông Nam.
Thời tiết cũng bị ảnh hưởng bởi sự bất thường của nhiệt độ mặt nước biển ở vùng biển Indonesia, đặc biệt là ở phía Nam của đường xích đạo và hiện tượng El Nino đã tấn công khu vực kể từ cuối năm 2018. Điều này đã dẫn đến mùa khô năm 2019 gay gắt hơn so với năm 2018.
Phó Phòng Khí tượng học của BMKG, Mulyono cho biết tình trạng khô hạn kéo theo việc xuất hiện các điểm nóng mang đến những nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và cháy đất. Hậu quả là gây ra khói mù và làm giảm chất lượng không khí. Tình trạng này đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần khẩn trương hơn trong việc thực hiện Thỏa thuận tài chính, được ký kết năm 2016, về “Sử dụng bền vững than bùn và giảm thiểu khói mù” (SUPA). Thỏa thuận là một trong những nỗ lực của ASEAN nhằm đối phó với thách thức về biến đổi khí hậu .
SUPA được sự chấp thuận của Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) của Liên bang Đức, và sẽ được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai. Chương trình này khuyến khích quản lý rủi ro cháy rừng và giảm khói mù xuyên biên giới.
Theo Hệ thống chữa cháy cảnh báo sớm và đánh giá nguy hiểm (FDRS), gió mùa Australia có thể khiến nhiều khu vực của Đông Nam Á dễ bị hỏa hoạn trong tuần tới. Nguy cơ cháy đất được phát hiện ở Indonesia, Brunei, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và một số khu vực nhỏ của Myanmar, Việt Nam và Lào./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()