ASEAN 2020: Trao quyền cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có doanh nhân nữ làm chủ, đóng góp đáng kể vào thành công thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020, chiều 6/11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), Nghiên cứu mạng châu Á-Thái Bình Dương (APRN) và các đối tác liên quan khác phối hợp tổ chức hội thảo “Kinh doanh chuyển đổi-Đối tác CSO và Trao quyền cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế-hướng tới phục hồi và phát triển.”
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Khánh Linh, Viện trưởng MSD cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh, tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có doanh nhân nữ làm chủ, đóng góp đáng kể vào thành công thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong số khoảng 800.000 doanh nghiệp, chiếm 25%.
Đáng chú ý, tại khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ nữ làm chủ chiếm một số lượng lớn, khoảng 30%.
Do vậy, hội thảo hứa hẹn mang đến một không gian kết nối để các tổ chức xã hội dân sự và đại diện doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện thực tế, nghiên cứu điển hình và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các thách thức bền vững trong việc xây dựng nền kinh tế chuyển đổi và đoàn kết.
Hội thảo gồm 2 phiên chính, phiên 1 có chủ đề “Tạo xu hướng-dẫn dắt thay đổi-Đối tác giữa các doanh nghiệp chuyển đổi” và phiên 2 với chủ đề “Chuyển đổi quan hệ đối tác và Nâng cao năng lực kinh tế cho Phụ nữ hướng tới không để ai bị bỏ lại phía sau” và Phiên thảo luận “Đối tác CSO-Doanh nghiệp-xu hướng, tiềm năng và thách thức.”
Ông Ted Lopez, Giám đốc Điều hành, Quỹ Thương mại Alter chia sẻ: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước xóa bỏ hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện…”
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, cần rà soát lại một số chính sách và chương trình liên quan đến quyền năng kinh tế và quyền làm chủ của phụ nữ cũng như các quyền bình đẳng tại nơi làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức. Đồng thời, cần xác định vai trò và trách nhiệm của chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân trong định hình và tác động đến thế giới việc làm và quá trình trao quyền cho phụ nữ.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò và tăng quyền năng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tiếp cận cơ hội hưởng lợi ngang bằng giữa phụ nữ và nam giới về việc làm, nâng cao năng lực trình độ, cơ hội thăng tiến, tham gia trong chuỗi cung ứng… để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia./.
Ý kiến ()