ASEAN 2020: New Zealand đánh giá cao năng lực lãnh đạo của Việt Nam
Quan chức cấp cao New Zealand cho rằng ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp tình hình thực tế khi đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức.
Quan chức cấp cao New Zealand phụ trách Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết New Zealand cam kết với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các thể chế đa phương nhằm ứng phó với các thách thức xuyên quốc gia.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng Cục trưởng Hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, bà Alison Mann cho biết Wellington đánh giá rất cao năng lực lãnh đạo của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay.
Bà cho rằng ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp tình hình thực tế khi đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức.
Bà đồng thời cho biết New Zealand – một trong những đối tác đối thoại sớm nhất của ASEAN – mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cả hiệp hội nhằm thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, và ủng hộ hòa bình, thịnh vượng và ổn định lâu dài trong khu vực.
Theo bà Alison Mann, thách thức chính mà cả New Zealand và ASEAN đang phải đối mặt là vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19, xây dựng một khu vực có khả năng phục hồi tốt hơn và chống chọi tốt hơn với những cú sốc trong tương lai.
New Zealand đã đóng vai trò tích cực trong việc khôi phục chuỗi cung ứng trong khu vực và duy trì mở cửa thị trường cho thương mại.
New Zealand cũng khuyến khích các đối tác phản đối chủ nghĩa bảo hộ – điều vốn nhạy cảm trong bối cảnh các thách thức kinh tế ở nhiều nước trong khu vực hiện nay, và là nguyên nhân làm suy yếu tăng trưởng và thịnh vượng.
Tại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) vừa qua, cũng như nhiều nước khác, New Zealand đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận vắcxin một cách công bằng và bình đẳng, nhất là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương hơn trong khu vực không phải là thành viên của các diễn đàn này.
New Zealand cũng đặt ưu tiên vào việc phục hồi kinh tế bền vững và thích ứng với khí hậu sau đại dịch.
New Zealand nhấn mạnh tới các thách thức lâu dài đối với an ninh khu vực, như tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các vấn đề đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên, và các vấn đề như di cư bất thường, chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan và an ninh mạng.
Bà Alison Mann đánh giá Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-New Zealand thường niên đã tạo nền tảng thúc đẩy quan hệ song phương và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới.
Hai bên có lịch sử hợp tác lâu dài nhằm xây dựng sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Một trong những cam kết chính của New Zealand thể hiện qua sự hỗ trợ nhiều chương trình học bổng và trao đổi nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân và xây dựng năng lực con người.
Theo bà, New Zealand coi Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) là diễn đàn đối thoại chính trị-an ninh khu vực nổi trội tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hoan nghênh cơ hội mà EAS mang lại nhằm thảo luận các vấn đề chiến lược cấp bách nhất mà khu vực đang phải đối mặt, từ các vấn đề chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại đến các vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh môi trường.
Năm nay, trọng tâm đặc biệt của EAS là đại dịch COVID-19 và các cuộc thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao EAS lần thứ 10 được tổ chức hôm 9/9 vừa qua xoay quanh nhu cầu tiếp cận vắcxin một cách công bằng và bình đẳng, duy trì chuỗi cung ứng và khôi phục kết nối, và hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực.
New Zealand cho rằng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tạo cơ hội hợp tác thiết thực nhằm giải quyết các thách thức an ninh trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là những thách thức đòi hỏi hành động xuyên biên giới nếu muốn tìm giải pháp.
Các ưu tiên của New Zealand bao gồm chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, ngoại giao phòng ngừa, an ninh hàng hải và một loạt các vấn đề khác có nguy cơ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bà Alison Mann nhấn mạnh rằng sự ủng hộ lâu dài của New Zealand đối với vai trò trung tâm của ASEAN bắt nguồn từ niềm tin rằng các cuộc họp và diễn đàn lấy ASEAN làm trung tâm nói trên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và sự tin cậy, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác thiết thực, góp phần xây dựng và duy trì các điều kiện cho hòa bình và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand cho biết New Zealand và ASEAN có lịch sử đáng tự hào về quan hệ đối tác, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, và năm nay cũng không có gì khác biệt, bất chấp nhiều thách thức.
Cam kết của New Zealand đối với ASEAN luôn được xây dựng dựa trên nền tảng tin cậy và sự chân thật với tư cách là một người bạn thân thiết, tôn trọng chủ quyền và độc lập của các nước ASEAN, đồng thời mong muốn làm sâu sắc hơn nữa hợp tác hai chiều.
Mối quan hệ mạnh mẽ giữa New Zealand và ASEAN được thể hiện qua nhiều mối liên kết. Số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy hơn 10% kiều dân ở New Zealand có nguồn gốc từ các nước thành viên ASEAN.
Năm ngoái, New Zealand đã tiếp nhận 7.555 sinh viên ASEAN. Ngoài những liên kết bền vững này, mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai bên cũng đang phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt xấp xỉ 20 tỷ NZD vào năm 2019.
New Zealand đang cung cấp 225 triệu NZD cho ASEAN thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển quốc tế trong giai đoạn 2020-2023.
Cuối cùng, Tổng Cục trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Alison Mann thông báo rằng vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác với ASEAN, New Zealand sẽ công bố các chương trình mới trong các lĩnh vực trọng tâm truyền thống, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới khác như chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững./.
Ý kiến ()