ASEAN 2020: Kết nối tài chính-ngân hàng với cộng đồng doanh nghiệp
Các Bộ trưởng và Thống đốc ghi nhận vai trò quan trọng của việc thúc đẩy tài chính bền vững khu vực ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế.
Ngày 2/10, tại Hà Nội, hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với Cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham dự hội nghị là các lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp thuộc Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN.
Phát biểu khai mạc phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phiên đối thoại giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, EU, Hoa Kỳ đã trở thành sự kiện thường niên; tạo ra một diễn đàn để các cơ quan quản lý và xây dựng chính sách có dịp trao đổi quan điểm cởi mở, thẳng thắn với đại diện các tập đoàn kinh doanh lớn về những vấn đề đang được khu vực và thế giới quan tâm.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN và các cộng đồng doanh nghiệp đã dành thời gian thảo luận nội dung quan tâm liên quan đến các chủ đề thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực ASEAN; chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các giải pháp tài chính toàn diện khu vực ASEAN và kết nối thương mại kỹ thuật số ASEAN.
Các Bộ trưởng và Thống đốc ghi nhận vai trò quan trọng của việc thúc đẩy tài chính bền vững khu vực ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế. ASEAN hiện đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Do vậy, hợp tác trong việc huy động các nguồn tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế cần tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa để giải quyết nút thắt tăng trưởng, xử lý chênh lệch trình độ phát triển tại từng quốc gia và cả ở trong khu vực ASEAN.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chia sẻ các vấn đề và đưa ra các khuyến nghị nhằm rút ngắn khoảng cách về tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng tập trung vào các nhóm vấn đề như tài trợ trong dài hạn; phát triển nguyên tắc phân loại khu vực cho tài chính bền vững, chất lượng dự án; các khuyến nghị đối với tài trợ y tế bền vững bao gồm: tăng cường hiệu quả của hệ thống hiện hành, tiếp cận sức khỏe ở khía cạnh “Sức khỏe tạo ra tài sản” và tăng cường áp dụng công nghệ tài chính trong hoạt động tài trợ.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã dành thời gian trao đổi các nội dung về chuyển đổi kỹ thuật số trong dịch vụ tài chính, các giải pháp tài chính toàn diện và kết nối thương mại số khu vực ASEAN.
Các Bộ trưởng và Thống đốc đánh giá cao các giải pháp đề xuất từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong các lĩnh vực này có các cân nhắc đánh giá toàn diện hơn khi xây dựng chính sách.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các giải pháp về huy động và sử dụng nguồn tài chính công một cách hiệu quả, huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong lĩnh vực tài chính cho phát triển y tế bền vững, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại chi ngân sách trong lĩnh vực y tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn tư nhân đầu tư cho y tế; khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh việc áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý thuế và hải quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cải thiện môi trường kinh doanh và giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.
Hội nghị thống nhất quan điểm, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của kinh tế khu vực và thế giới hiện nay đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải có sự phối hợp và đối thoại giữa các cơ quan xây dựng chính sách và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng các chính sách phù hợp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại mỗi nền kinh tế và trong khu vực; từng bước khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, khôi phục sản xuất. Từ đó, góp phần vào sự phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế, đồng thời đảm bảo lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các Bộ trưởng và Thống đốc ASEAN sẽ tiếp tục duy trì kênh đối thoại thường niên với các cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới./
Ý kiến ()