Argentina chật vật ứng phó “bão khủng hoảng”
Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên bố sẽ cắt giảm hàng chục nghìn lao động thuộc khu vực nhà nước vào cuối tháng này nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ Argentina đẩy mạnh triển khai chính sách “thắt lưng buộc bụng”, trong bối cảnh tình trạng lạm phát cao tác động mạnh đến tiêu dùng trong nước và nền kinh tế Argentina rơi vào quỹ đạo suy thoái.
Nền kinh tế Argentina đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn, với tỷ lệ lạm phát tăng mạnh, đồng nội tệ mất giá, tiêu dùng giảm. Cùng với đó, tình trạng thiếu ngoại tệ gây trở ngại trong việc nhập khẩu hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp, trong khi hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp.
Theo Viện Thống kê và Điều tra Argentina (INDEC), GDP của Argentina năm 2023 giảm 1,6% và nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ Latin một lần nữa rơi vào suy thoái sau 2 năm tăng trưởng liên tiếp. Chỉ số hoạt động kinh tế (EMAE) trong quý IV/2023 giảm 1,9% so với quý trước và giảm 1,4% so với mức cùng kỳ năm 2022. Tám trong 17 lĩnh vực kinh tế cho thấy kết quả tiêu cực, nhất là nông nghiệp (giảm 20,2%), hoạt động tài chính (giảm 3,7%) và công nghiệp (giảm 2,1%).
Dự báo về hoạt động kinh tế Argentina năm 2024 cũng ở mức bi quan. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2/2024 tăng tới 276% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty tài chính được Ngân hàng Trung ương Argentina tham vấn ước tính nền kinh tế nước này tiếp tục suy thoái trong năm nay, với mức giảm 3,5%.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12/2023, Tổng thống Javier Milei đã thực hiện kế hoạch điều chỉnh tài khóa, trong đó cắt giảm mạnh chi tiêu công, nhằm đạt được cân bằng tài chính. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Tổng thống Milei phá giá 50% giá trị đồng peso nội tệ; cắt giảm số bộ, từ 18 còn 9 bộ; sa thải nhiều lao động trong khu vực công; giảm trợ cấp phương tiện giao thông công cộng và chăm sóc y tế; giảm ngân sách trung ương phân bổ cho các tỉnh và ngừng mở thầu các dự án hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.
Việc sa thải nhân viên, cộng với tình trạng lạm phát cao đã khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, kéo theo các cuộc đình công, biểu tình trên khắp Argentina. Thu nhập thực tế của người dân Argentina sụt giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Theo INDEC, giá trị của Giỏ hàng hóa cơ bản (CBT) trong tháng 2 vừa qua tăng 290,2% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị Giỏ thực phẩm cơ bản (CBA) - thước đo tỷ lệ nghèo đói của các gia đình, cũng tăng 301,1%. Các chuyên gia kinh tế quan ngại về tác động tới đời sống của người dân, nhất là người nghỉ hưu và sống dựa vào các khoản trợ cấp.
Chính sách cải cách mạnh tay của Tổng thống Milei bước đầu đem lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Luis Caputo thông báo, thặng dư ngân sách ban đầu (trước khi trả nợ) trong tháng 2 vừa qua đạt 1.230 tỷ peso (khoảng 1,45 tỷ USD). Như vậy, Argentina đã có 2 tháng thặng dư tài chính liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2011, với tích lũy thặng dư ngân sách sau khi trả nợ đạt gần 0,2% GDP) trong 2 tháng đầu năm nay.
Hãng Standard & Poor’s (S&P) duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Argentina ở mức CCC, nhưng nâng triển vọng từ “tiêu cực” lên “ổn định”. S&P nhận định, khả năng thanh toán nợ của Argentina đã được cải thiện sau khi chính phủ nước này triển khai các biện pháp hoán đổi nợ và bộ chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực hơn gần đây. Argentina có thể bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nếu có các chính sách hoặc những diễn biến chính trị làm suy yếu khả năng tiếp cận tài chính. Trái lại, xếp hạng tín nhiệm có thể được nâng lên nếu Chính phủ Argentina thực hiện thành công các chính sách, qua đó giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô, chặn đà tăng lạm phát và đặt nền móng cho phục hồi bền vững.
Chính phủ Argentina đã đạt tiến bộ bước đầu trong cắt giảm thâm hụt tài chính và nâng dự trữ ngoại tệ lên đáng kể. Tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều trong nỗ lực vượt “bão khủng hoảng”.
Ý kiến ()