APPF họp về biến đổi khí hậu, văn hoá, du lịch và phát triển bền vững
Hợp tác nghị viện có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong phiên họp về các vấn đề hợp tác phát triển tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26), sáng 20/1.
Ba chủ đề được thảo luận là: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; các nguồn lực cho phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.
Phiên họp do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì với sự tham gia của nghị sĩ các nước thành viên APPF.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng thực sự hiện hữu
Theo Phó Thủ tướng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu.
Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017, nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua.
Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hiện sản xuất hơn 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu hơn 6 triệu tấn); khoảng 10 – 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng đến đời sống và tổn thất khoảng 10% GDP.
Không riêng ở Việt Nam, rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết; thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á -Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0,5-2 độ C.
Tác nhân gây ra biến đổi khí hậu không chỉ công nghiệp mà còn từ nông nghiệp và sinh hoạt. Không chỉ từ nhà máy lớn, từ hóa chất trên ruộng đồng hay nạn phá rừng mà còn từ cả những thói quen lựa chọn phương tiện đi lại, sử dụng điện, nước của mỗi người dân.
Nhấn mạnh ảnh hưởng không biên giới của những tác nhân biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng khẳng định mọi quốc gia, nền kinh tế có quyền lợi và trách nhiệm nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa.
Cần phải làm cho toàn xã hội, từng người dân đều hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn. Như từng bước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh thông qua những thay đổi toàn diện trong tiếp cận, phương thức sản xuất, phương thức canh tác.
Những nỗ lực đó, đặc biệt là phát triển công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn. Vì vậy, cần có các giải pháp huy động các nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế.
“Mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các điều ước quốc tế, công ước, nghị định thư và thoả thuận về biến đổi khí hậu”.
Mọi người dân đều tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển
Chia sẻ với các đại biểu về tầm nhìn, khát vọng chung của nhân loại được đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là “mọi người dân đều tham gia và được thụ hưởng thành quả của phát triển”.
Với người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, thành quả phát triển trực tiếp nhất là lương thực, giáo dục, y tế. Chỉ những tiêu chí đó thôi cũng đã cần nguồn lực lớn cả về con người, tài chính, khoa học, công nghệ với sự chung tay, chia sẻ giữa các quốc gia.
“Các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm, trong nhiều trường hợp về tài chính”, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu bật sự cần thiết thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, hình thành các cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các bên.
“Chúng ta cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; ưu tiên nguồn lực; lồng ghép các vấn đề SDG vào các chương trình chi tiêu công; tăng cường đầu tư tư nhân, hợp tác công – tư vì mục tiêu SDG”, Phó Thủ tướng nói.
Văn hoá là yếu tố có tính nền tảng
Khẳng định tầm quan trọng của văn hoá trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong quá trình đó, các giá trị tốt đẹp, di sản văn hoá của từng cộng đồng, dân tộc đã trở thành di sản văn hoá chung của nhân loại. Đồng thời mỗi dân tộc, quốc gia lại tiếp thu những nét tinh hoa từ bên ngoài được tiếp thu.
Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, góp phần làm cho giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa trở lên thuận lợi hơn bao giờ hết. “Internet đã giúp một người ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu ngay về cách thức nấu phở của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, những yếu tố văn hoá độc hại, những nội dung bạo lực, phi văn hóa, cổ vũ lối sống vô cảm, thậm chí gây chia rẽ đoàn kết… cũng lan truyền nhanh hơn. Điều này càng khiến cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không phải là vấn đề của riêng mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia.
Đề cập đến du lịch, ngành “công nghiệp không khói” trong giao lưu văn hoá, Phó Thủ tướng khẳng định du lịch không chỉ tạo nhiều việc làm, sinh kế, giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều người dân mà còn thúc đẩy tìm hiểu, giao lưu văn hóa; tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khác.
Để thúc đẩy, phát triển du lịch, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách visa, vận tải, hạ tầng cơ sở, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện…
Kết nối di sản giữa các quốc gia, hình thành các tuyến, các tour du lịch xuyên quốc gia; thiết lập mạng lưới các điểm đến du lịch, tăng cường chia sẻ các mô hình tốt về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thiên nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch… nhằm tạo điều kiện để du khách dịch chuyển thuận lợi, an toàn là hết sức quan trọng.
Đặc biệt cần phải bảo vệ môi trường thiên nhiên khi phát triển các cơ sở du lịch, hạn chế tối đa những hành vi tiêu cực làm xói mòn các giá trị văn hoá, tàn phá các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Những vấn đề trên sẽ được các đại biểu tham dự phiên họp trao đổi, thảo luận trên các phương diện, góc nhìn đa dạng, sâu sắc hơn, toàn diện hơn và đưa ra những kiến nghị, giải pháp thiết thực.
Qua đó khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các chính phủ, các nghị viện. Việc tăng cường lồng ghép các nội dung, hợp tác trong các chương trình hành động thực hiện SDG, biến nhận thức thành kế hoạch, các cam kết hành động cụ thể là hết sức quan trọng.
Trong hợp tác nghị viện, APPF đã chứng tỏ vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy tiến trình cải cách để thích ứng tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới và khu vực. Triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác trong khu vực, trong đó có Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Quang cảnh phiên họp. |
Phó Thủ tướng tin tưởng APPF tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nghị viện và nhân dân các quốc gia thành viên. Có vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực vào kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới vì một thế giới không còn chiến tranh, không còn đói nghèo. Để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được phát triển, phát huy giá trị của mình và vì một hành tinh mãi màu xanh.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()