APEC chia sẻ kinh nghiệm về nền kinh tế liêm chính
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM 1), ngày 18/2, tại Nha Trang diễn ra phiên khai mạc Nhóm công tác về chống tham nhũng và hội thảo thúc đẩy sự cam kết trong chống tham nhũng của APEC.
Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng tham nhũng là loại tội phạm không biên giới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sôi động hiện nay, tội phạm tham nhũng còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm rửa tiền.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng đã khẳng định tính nghiêm trọng của các vấn đề do tham nhũng gây ra có thể đe dọa sự ổn định an ninh xã hội, xâm phạm các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý, cản trở sự phát triển bền vững và nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Theo ông Phan Văn Sáu, tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho các hoạt động của nền kinh tế vĩ mô, mà còn kìm hãm hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp, của hàng hóa bị suy giảm vì chi phí cao do các thủ tục rối rắm và các chi phí hối lộ, “bôi trơn”.
Không chỉ vậy, tội phạm tham nhũng cấu kết với các loại tội phạm khác còn có thể làm thất thoát và sử dụng sai trái nguồn lực quan trọng của các quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các quốc gia, làm cạn kiệt nguồn đầu tư nội địa, làm giảm đáng kể các nguồn đầu tư của nước ngoài.
Ông Phan Văn Sáu nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam coi tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chính quyền. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thường xuyên và cấp bách dù khó khăn, phức tạp.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn và ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều vụ án nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi tham nhũng.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ là của riêng của Nhà nước, của riêng Chính phủ mà là nhiệm vụ của toàn xã hội. Việt Nam đề cao và huy động vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí…
Đây là những nhân tố góp phần quan trọng trong việc phát triển và đấu tranh chống lại mọi dạng thức của loại tội phạm này.
Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã qui định nhiều biện pháp hiệu quả nhằm khuyến khích và đảm bảo tính tham gia chủ động và tích cực của toàn xã hội. Luật cũng qui định rõ về quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan, tổ chức và công dân, cơ chế cụ thể để thực hiện quyền này.
Cơ chế bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng, các sáng kiến phòng chống tham nhũng của cộng đồng được xây dựng và tổ chức thực hiện. Chính phủ Việt Nam luôn đề cao vai trò và sự tham gia của xã hội vào phòng, chống tham nhũng, coi đây là một yếu tố thiết yếu cho một hệ thống phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo. |
Đại diện Việt Nam mong rằng sự chia sẻ của nền kinh tế thành viên sẽ giúp cho các đại biểu có cái nhìn tổng quan về những nỗ lực đang được thực hiện tại Việt Nam nói riêng và các nước thành viên APEC nói chung. Từ đó, góp phần vào nỗ lực chung trong việc đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy phát triển một nền kinh tế lành mạnh, liêm chính.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()