"Ấp tỷ phú" ở Bạc Liêu
Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân, chúng tôi về thăm ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Nơi đây được nhiều người dân trong huyện gọi là "Ấp tỷ phú" bởi nhiều người dân biết làm giàu từ mô hình nuôi tôm sú công nghiệp. Không chỉ chú trọng làm giàu, "Ấp tỷ phú" này còn quan tâm xây dựng cuộc sống "Giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình"...Vươn lên từ gian khóDọc theo tuyến đê Biển Đông từ hướng TP Bạc Liêu, chúng tôi rẽ phải vào đường giao thông nông thôn để đến ấp 12 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) - nơi được mệnh danh 'Ấp tỷ phú'. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đời sống của cư dân nơi đây rất sung túc, nhiều ngôi nhà lớn, những ngôi biệt thự khang trang soi mình bên đầm tôm, tiếng rì rầm của máy bơm, tiếng cánh quạt nước rào rào... tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một 'khúc nhạc' đặc trưng đầu xuân mới ở miền quê ven biển đang phát triển sôi động trong thời kỳ đổi mới...Phó Bí thư Đảng ủy xã...
Vươn lên từ gian khó
Dọc theo tuyến đê Biển Đông từ hướng TP Bạc Liêu, chúng tôi rẽ phải vào đường giao thông nông thôn để đến ấp 12 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) – nơi được mệnh danh 'Ấp tỷ phú'. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đời sống của cư dân nơi đây rất sung túc, nhiều ngôi nhà lớn, những ngôi biệt thự khang trang soi mình bên đầm tôm, tiếng rì rầm của máy bơm, tiếng cánh quạt nước rào rào… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một 'khúc nhạc' đặc trưng đầu xuân mới ở miền quê ven biển đang phát triển sôi động trong thời kỳ đổi mới…
Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) Nguyễn Văn Mười giới thiệu sơ qua về 'Ấp tỷ phú': Từ khi thực hiện chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản vào năm 1999 đến nay, đời sống người dân trong xã đã thay da đổi thịt rất nhiều. Một bộ phận người dân đã giàu lên sau những mùa tôm bội thu. Theo thống kê, tỷ lệ hộ thuộc diện khá và giàu trong xã chiếm khoảng 30%, trong đó đa phần là những tỷ phú trẻ mới phất lên sau những vụ mùa trúng đậm do nuôi tôm theo mô hình mới, áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ. Đặc biệt, tại ấp 12 (xã Vĩnh Hậu A) có hàng chục hộ mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, không ít hộ thu lãi tiền tỷ. Nếu tính sơ bộ, hiện nay có khoảng gần 50 hộ trong ấp được xếp vào hàng 'tỷ phú'…
Ấp 12 trước đây thuộc Nông trường Vĩnh Hậu (huyện Vĩnh Lợi cũ). Các hộ dân nơi đây chủ yếu là đồng bào thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào khai hoang, cải tạo vùng đất ven biển hoang sơ này sản xuất nông nghiệp từ những năm 1980. Sau nhiều năm làm ăn với mô hình nông trường quốc doanh nặng tính bao cấp, hoạt động kém hiệu quả, nhiều năm liền đời sống của hơn 450 hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Không ít hộ không chịu nổi đã bỏ đi nơi khác để lập kế mưu sinh… Đến năm 1995, chính quyền địa phương buộc phải ra quyết định giải thể nông trường quốc doanh Vĩnh Hậu để chuyển đổi sang mô hình ấp, lấy tên ấp 12 (thuộc xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình)…
Những ngày này, bà con ở ấp đang khẩn trương cải tạo ao, đầm nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp. Vùng ven biển huyện Hòa Bình đang đầy nắng và gió. Dưới cái nắng chói chang, gió biển thổi mạnh kèm theo những luồng bụi cát từ những đầm tôm đang được cải tạo, phơi khô, không khí lao động sản xuất để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới ở nơi đây thật nhộn nhịp, sôi động. Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp 12, ông Trần Minh Huống cho chúng tôi biết: 'Bây giờ, chuyện các hộ dân trong ấp thành tỷ phú không còn hiếm, chỉ cần trúng vài vụ tôm là có tiền tỷ trong tay…'.
Chân dung tỷ phú
Ông Trần Minh Huống khoe: 'Bản thân tôi cũng là một minh chứng cho phong trào cán bộ, nhân dân cùng thi đua làm giàu từ sản xuất. Vụ tôm năm ngoái, gia đình tôi thu lãi gần 1,5 tỷ đồng. Quả thật, với mô hình nuôi tôm sú công nghiệp, nếu thuận lợi một vài vụ thì người nuôi tôm trở thành tỷ phú là chuyện khá… dễ dàng. Trong vụ nuôi tôm năm 2010 vừa qua, tại ấp có hàng chục hộ trúng tôm sú công nghiệp từ 500 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Hùng, lãi 1,2 tỷ đồng; Nguyễn Tử Sâm, lãi hơn một tỷ đồng; Trần Văn Tửu, lãi gần 700 triệu đồng… Tuy nhiên, nghe trúng tôm như vậy, ai cũng 'ham' nhưng không phải chuyện đơn giản. Muốn nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững, người nuôi tôm không chỉ cần cù 'một nắng hai sương' nhọc nhằn, mà vấn đề quan trọng là phải tìm tòi, năng động, sáng tạo trong học tập kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm. Bởi thực tế chứng minh, nghề nuôi tôm sú công nghiệp ở đây đã giúp nhiều hộ nghèo nhanh chóng trở thành 'tỷ phú chân đất'. Nhưng cũng tại mảnh đất này, cũng chính con tôm sú đã khiến một số hộ phải điêu đứng, lao đao. Vì vậy, phải làm thật sự hết mình mới gặt hái kết quả bội thu, chứ không thể có chuyện 'làm chơi, ăn thật được'…'.
Tạm biệt ông Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, chúng tôi ghé thăm những 'tỷ phú chân đất' ở ấp 12 như hộ anh Thạch Cảnh Quyết, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Luân… Trong không khí rất phấn khởi vừa thu hoạch vụ tôm trúng đậm, thu lãi hơn 800 triệu đồng, anh Quyết cho biết, không chỉ nuôi tôm sú công nghiệp, anh còn chuyên bán thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm, đồng thời hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm sú công nghiệp khi những hộ mới vào nghề nuôi tôm trong xã cần anh chỉ bảo. Ngoài ra, anh Nguyễn Văn Hùng, ấp 12 cũng vừa trúng gần một tỷ đồng nhờ nuôi tôm sú công nghiệp. Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Luân, dù chưa đến tuổi 30 nhưng cũng vừa 'bỏ túi ngon lành' hơn 700 triệu đồng chỉ sau một vụ trúng tôm sú công nghiệp… Các anh cho biết, tôm trúng mùa, được giá (loại 30 con/kg) tư thương đến tận đầm tôm mua với giá 200 nghìn đồng/kg. Chưa bao giờ giá tôm cao như hiện nay. Vì vậy, bà con trong ấp đang hăng hái cải tạo ao, đầm để chuẩn bị thả nuôi tôm vụ đầu năm 2011…
Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Bạc Liêu, kỹ sư Đỗ Mạnh Thường nhận xét: 'Nét mới ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), mấy năm qua, nhiều hộ dân ở đây đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong việc học tập và áp dụng nuôi tôm sú công nghiệp, nuôi tôm sú theo mô hình 'tôm sạch' (nuôi tôm theo quy trình sử dụng vi sinh) đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Đây là nơi đi 'tiên phong' trong phong trào nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh…
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, hầu hết các hộ dân ở đây đặc biệt chú trọng việc giáo dục và tạo mọi điều kiện tốt nhất để con, cháu được học hành đến nơi đến chốn, coi đó là việc đầu tư có ý nghĩa 'chiến lược'. Ấp 12 còn được mệnh danh là 'đất học' của xã và huyện. Tại ấp, hiện có khá nhiều kỹ sư, cử nhân, sinh viên… đang làm việc, lao động, học tập ở nhiều nơi. Đặc biệt, từ nhiều năm qua, ấp có truyền thống của huyện về việc tiễn đoàn viên, thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ấp không để xảy ra tệ nạn xã hội, trộm cắp; cuộc sống của nhân dân được bình yên. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong ấp luôn ý thức, trách nhiệm rất cao về việc xây dựng và giữ gìn danh hiệu 'Ấp Văn hóa'. Mọi người luôn ra sức xây dựng làng quê, ngõ xóm 'xanh, sạch, đẹp, văn minh, sống nghĩa tình'.
Chia tay sau gần một ngày gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, người dân ấp 12, tạm biệt 'Ấp tỷ phú' khi hoàng hôn ở vùng ven biển đang xuống dần, tôi phóng xe máy trên con đường nhựa phẳng lỳ mà lòng rạo rực, lâng lâng một cảm xúc khó tả. Tôi cố quan sát, ngắm nhìn thật kỹ hơn những ngôi nhà mới, những biệt thự sang trọng nằm xen lẫn những hàng cây tại ấp vùng ven biển này. Gió biển về tối thổi mạnh và trong lành. Những ánh mắt, nét mặt, nụ cười hiền hậu, chân tình, rạng rỡ của những người dân vừa trúng đậm vụ tôm…, khiến tôi càng thêm vui, yêu mến cuộc sống thanh bình trù phú và văn minh của vùng quê ven biển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()