Áp lực từ vấn đề môi trường
LSO-Sản xuất công nghiệp đang trên đà phát triển, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, để hướng đến phát triển bền vững, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh còn đối diện với nhiều thách thức, trong đó vấn đề môi trường dần trở nên phức tạp.
Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Giang Sơn khai thác đá tại mỏ đá Giang Sơn, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc |
Sức ép tới môi trường
Theo kết quả quan trắc năm 2016, vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường của tỉnh được đánh giá là khá tốt so với mặt bằng chung cả nước với lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn công nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất phát sinh hằng năm không lớn. Tuy nhiên, quá trình sản xuất của một số doanh nghiệp đã bắt đầu tác động xấu đến môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng đầu tư cho việc xử lý khói, bụi, khí thải, nước thải trong quá trình sản xuất, để chất thải thoát tự nhiên ra môi trường, thấm vào đất, theo thời gian đã bắt đầu tạo nên sức ép không nhỏ đối với môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tất cả các trường hợp vi phạm sở đã kiểm tra và báo cáo kết quả trình UBND tỉnh xử lý.
Điển hình tại khu vực các xã: Hồng Phong, Phú Xá, huyện Cao Lộc, từ năm 2016 đến nay đã xảy ra nhiều vụ người dân ngăn chặn không cho các cơ sở khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn hoạt động do bụi đá, tiếng ồn và tác động của việc nổ mìn. Hoặc trường hợp người dân thôn An Tri, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc có đơn kiến nghị với chính quyền địa phương về việc sản xuất của Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ gây ô nhiễm nguồn nước…
Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp của tỉnh như: cụm công nghiệp địa phương số 2 tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc được đầu tư hơn 10 năm nay chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số ngành nghề, doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu vừa lãng phí tài nguyên vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Đầu tư để phát triển
Để giảm áp lực đến môi trường, tỉnh đã có chủ trương phát triển đối với các doanh nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp truyền thống, thế mạnh theo chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành. Các dự án mới đầu tư phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường.
Đến nay, đã có một số đơn vị chú trọng tái đầu tư, nâng cấp công nghệ để bảo vệ môi trường như: Công ty Nhiệt điện Na Dương đã và đang đầu tư công nghệ giám sát phát thải online với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng để kiểm soát chất lượng chất thải thoát ra môi trường…
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Vốn đầu tư công nghệ để xử lý chất thải là không nhỏ, hiện chỉ có các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn đủ lực đầu tư. Đối với doanh nghiệp trong tỉnh, hằng năm, sở vẫn thực hiện các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị đầu tư, lắp đặt các dây chuyền công nghệ sản xuất mới, hiện đại, hạn chế tác động đến môi trường. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải chủ động tái đầu tư là chính.
Cùng với đó, tỉnh đang chỉ đạo nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành dự án cụm công nghiệp mới như: Cụm công nghiệp Hợp Thành I, II với kết cấu hạ tầng hiện đại, đảm bảo xanh, sạch, thân thiện môi trường để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng sản xuất và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
ANH DŨNG
Ý kiến ()