Áp lực triển khai hóa đơn điện tử xăng dầu
Hết ngày 31/3, toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải hoàn thành việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp tỏ ra lúng túng, đứng trước nguy cơ trễ nhịp so với yêu cầu.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), đến ngày 24/3, toàn quốc đã có 14.727/15.981 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, chiếm 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu; số cửa hàng chưa thực hiện còn 7,8% và đang tiếp tục triển khai theo quy định.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa Ngô Đình Hùng cho biết, tỷ lệ cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt 99,5%, chỉ còn một đơn vị bên xăng dầu quân đội chưa hoàn thiện do đang triển khai theo hệ thống cho nên đề nghị được lùi lại. Tuy nhiên, chắc chắn đến ngày 31/3 sẽ hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Ngô Đình Hùng, muốn thực hiện tốt việc xuất hóa đơn điện tử đối với các cửa hàng xăng dầu, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng cũng rất cần sự nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi mua hàng phải yêu cầu người bán xuất hóa đơn theo quy định.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện có trường hợp bán hàng không xuất hóa đơn thì đơn vị sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Tương tự, thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết, đến ngày 25/3, toàn tỉnh có 66/173 cửa hàng đã hoàn thành việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; 107/173 cửa hàng đã thực hiện ký hợp đồng lắp đặt, cung cấp giải pháp xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đang chờ và tiến hành lắp đặt hoặc chạy thử. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang tích cực triển khai, lắp đặt thiết bị để hoàn thành theo đúng tiến độ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị xuất hóa đơn điện tử và đang thực hiện chạy thử nghiệm, dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ đưa vào vận hành. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh, không chỉ khoản chi phí lớn, với hơn 50 triệu đồng/cột bơm mà để thực hiện được yêu cầu, doanh nghiệp cũng phải mất sáu, bảy tháng làm việc với các đơn vị đối tác để nghiên cứu kỹ thuật cho từng cây xăng, nhằm đưa ra giải pháp kỹ thuật phù hợp.
Đó còn chưa kể tới, trước đó từ lâu, đơn vị đã áp dụng xuất hóa đơn điện tử, nhưng để áp dụng sau từng lần bán lẻ, với mỗi một người mua thì doanh nghiệp cần đầu tư thêm các giải pháp kỹ thuật và thiết bị phải lắp mới hoàn toàn. “Đối với doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính dồi dào sẽ không bị ảnh hưởng lớn nhưng những doanh nghiệp có vài ba cây xăng thì khá khó khăn khi phải xoay xở, tìm kiếm nguồn tiền để đầu tư lắp đặt các thiết bị vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu” - vị lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội khẳng định.
Chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang triển khai mọi cách để thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc này vẫn là thách thức đối với các cửa hàng ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, có hạ tầng internet hạn chế.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thậm chí thua lỗ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu rất chật vật và phải nỗ lực hết sức trong việc đầu tư thiết bị để triển khai hóa đơn điện tử kịp thời hạn theo quy định. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy trình tiêu chuẩn trong việc xuất hóa đơn điện tử từng lần nên mỗi hệ thống lại có quy trình khác nhau, không đồng bộ khiến không ít doanh nghiệp bị lúng túng, khó khăn trong đầu tư, lựa chọn sử dụng.
Đưa chi phí hóa đơn vào cơ cấu giá thành
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng thực hiện hóa đơn điện tử trong bán hàng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Lưu Văn Tuyển khẳng định: Đơn vị đã đầu tư hạ tầng, quản lý dữ liệu từ năm 2014 và áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2018. Với nền tảng công nghệ và hệ thống quản trị dữ liệu sẵn có, Petrolimex chỉ đầu tư thêm phần mềm và giải pháp để thống nhất và đồng bộ dữ liệu. Đến nay, 2.700 cửa hàng trực thuộc đều có thể phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng theo mọi yêu cầu, giúp nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp và quản lý của cơ quan nhà nước.
Ông Lưu Văn Tuyển cũng cho biết, tỷ trọng lượng khách lấy hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng hiện chưa cao, số khách cá nhân cần lấy hóa đơn chỉ chiếm khoảng 4-5%. Mặc dù vậy, đơn vị cũng có sẵn dữ liệu, chỉ cần truy cập hệ thống, dữ liệu sẽ được tự động cập nhật vào hóa đơn để phát hành. Một số khách hàng lớn như các đơn vị vận chuyển, Petrolimex còn kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán để truyền dữ liệu hóa đơn trực tiếp sang đơn vị, giúp lái xe không phải mất công lấy từng hóa đơn lẻ.
“Với những khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn, các dữ liệu được ghi nhận đồng bộ để chuyển thẳng về cơ quan thuế. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai lắp đặt hệ thống hóa đơn điện tử, đơn vị cũng có chính sách hỗ trợ các thương nhân nhượng quyền, như hỗ trợ tối đa lên tới 30 triệu đồng/cửa hàng cho việc lắp đặt thiết bị lưu trữ, phần mềm quản lý, camera, hóa đơn,… tùy vào thực trạng từng cửa hàng” - ông Lưu Văn Tuyển nhấn mạnh.
Đề cập tới việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 Nguyễn Văn Tiu cho rằng, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong áp dụng hóa đơn điện tử do cùng lúc phải đầu tư số tiền lớn cũng như chi phí thường xuyên để vận hành.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xác định đây là khoản đầu tư dài hạn, sẽ giúp quản trị tốt hơn và có thể tiết giảm các khoản chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh,… Theo các doanh nghiệp, trước đây chỉ xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng lớn còn khách hàng mua lẻ, nhu cầu mua xăng khoảng 50.000-100.000 đồng thường được “gom” chung vào một hóa đơn.
Với quy định mới, bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị, giải pháp kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nên chi phí lớn. Mặc dù có đơn vị cung cấp giải pháp đã giảm chi phí xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng, nhưng chi phí mỗi tờ hóa đơn vẫn từ 50-55 đồng. Trường hợp cá nhân mua xăng 50.000 đồng, nếu vào chu kỳ giá biến động, lợi nhuận giảm hoặc chiết khấu thấp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ. Do vậy, về lâu dài cần đưa chi phí hóa đơn vào cơ cấu giá thành để bảo đảm duy trì vận hành của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, giúp thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn. Muốn làm được, doanh nghiệp phải đầu tư, bỏ ra chi phí duy trì thường xuyên cho nên các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng.
Ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Theo đó, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu chấp hành đúng quy định, đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng,… Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đơn giản hóa hơn nữa cách thức thanh toán thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và triệt để trong việc lập hóa đơn điện tử kết nối với ngành thuế.
Ý kiến ()