Áp lực cuộc sống tăng, mức sinh giảm
Theo Bộ Y tế, hiện có 21 địa phương ở nhóm có mức sinh thấp. Gần đây, tổng tỷ suất sinh của cả nước liên tục giảm, xuống dưới mức sinh thay thế. Nếu tình trạng này không được khắc phục, thì đến giai đoạn 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm.
Mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ, nhằm bảo đảm việc duy trì nòi giống. Mỗi phụ nữ, thường tương ứng với một cặp vợ chồng sinh trung bình 2,1 con, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. Khi đó, trừ đi một tỷ lệ trẻ không may tử vong, một cặp vợ chồng sẽ có 2 người con trưởng thành, dân số sẽ được duy trì. Ngược lại, nếu không đạt mức sinh thay thế, dân số sẽ suy giảm.
Những năm gần đây, tổng tỷ suất sinh của cả nước liên tục giảm. Năm 2021, tổng tỷ suất sinh là 2,11, bằng mức sinh thay thế. Năm 2022 và năm 2023, con số này lần lượt là 2,01 và 1,96. Đặc biệt, một số địa phương có tổng tỷ suất sinh rất thấp, điển hình như TP Hồ Chí Minh chỉ đạt mức 1,32 (năm 2023).
Theo đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế), nếu không có giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này thì đến năm 2054 - 2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm. Đến năm 2500, dân số cả nước sẽ chỉ còn 3,6 triệu người, ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc. Trước mắt, tổng tỷ suất sinh thấp hơn mức sinh thay thế sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại khoảng vài chục năm trước, sinh đẻ “vỡ kế hoạch” là một vấn đề, là nỗi lo của cả xã hội. Nhiều chính sách đã được đưa ra để hạn chế phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên. Thế nhưng nay thì ngược lại, một bộ phận không nhỏ phụ nữ “ngại” sinh con. Vì sao vậy?
Chị N.T.T - công nhân Công ty TNHH Vina Korea (Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang thuê trọ tại tổ dân phố Hán Lữ, phường Khai Quang, chia sẻ: “Vợ chồng tôi lấy nhau đã hơn 2 năm nhưng vẫn chưa dám sinh con vì thu nhập từ lương công nhân của hai vợ chồng mỗi tháng chưa đến 14 triệu đồng, trong khi đó tôi chưa có nhà, quê lại ở xa, phải đi thuê trọ, nhiều khoản phải chi tiêu. Sinh con rồi không biết lấy gì nuôi nhau? Hơn nữa nếu sinh con sẽ ảnh hưởng đến công việc…”.
Lý do “áp lực cuộc sống” mà chị N.T.T đưa ra cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cặp vợ chồng chưa dám sinh con hoặc chỉ dám sinh một con. Điều này cũng giải thích vì sao khu vực có mức sinh thấp chủ yếu là các thành phố, đô thị lớn - nơi có mức sống đắt đỏ, áp lực cuộc sống cao.
Nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con hướng tới đạt mức sinh thay thế, nhiều địa phương đã có những chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã quyết định hỗ trợ một lần ở mức 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; tặng giấy khen của chủ tịch UBND cấp huyện và hỗ trợ 30 triệu đồng với những xã liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Với các xã có 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con, sẽ được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen kèm khoản hỗ trợ 60 triệu đồng.
Ở cấp độ quốc gia, ngày 28-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Mục tiêu của chương trình là thông qua các chính sách phù hợp để đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 con đến 2,2 con).
Những chính sách hỗ trợ mà các địa phương như TP Hồ Chí Minh ban hành nói trên là rất thiết thực. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, để có thể hoàn thành mục tiêu tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp mà “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” đặt ra thì còn rất nhiều việc phải làm, bởi đây là “bài toán” nhiều “biến số”.
Các “biến số” này chính là làm sao giảm thiểu được những áp lực đang ngày càng gia tăng từ cuộc sống, nhất là ở các đô thị lớn, như nhà ở, việc làm, thu nhập, việc học tập của con cái… Và như vậy, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
Ý kiến ()