Áp-ga-ni-xtan vẫn mong mỏi hòa bình
Đã 11 năm trôi qua kể từ vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ và sau đó là sự sụp đổ của chế độ Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan, thế nhưng người dân đất nước Nam Á này vẫn mong mỏi một nền hòa bình bền vững.OA-HI-ĐUN - một người dân Áp-ga-ni-xtan nói rằng: "11 năm sau khi Áp-ga-ni-xtan bị chiếm đóng bởi Mỹ và các lực lượng NATO vì cái mà họ gọi là chống khủng bố, chúng tôi vẫn chứng kiến máu đổ và chết chóc hằng ngày trên đất nước". Anh Oa-hi-đun nói thêm: "Mỹ và các đồng minh NATO tới đất nước của chúng tôi nói là để tiêu diệt khủng bố, nhưng đã hơn một thập kỷ trôi qua mà họ vẫn chưa đạt được mục đích. Dù B.La-đen đã bị tiêu diệt, nhưng lãnh tụ Ta-li-ban hiện là M.Ô-ma vẫn mạnh lên và tiếp tục chỉ đạo "phiến quân" chống lại lực lượng NATO đang có mặt ở Áp-ga-ni-xtan với 130 nghìn quân, trong đó có 90 nghìn binh sĩ Mỹ". Tại Áp-ga-ni-xtan, tình trạng mất an ninh, đánh bom tự sát và tham nhũng vẫn không giảm sút, có tới chín triệu người dân vẫn...
OA-HI-ĐUN – một người dân Áp-ga-ni-xtan nói rằng: “11 năm sau khi Áp-ga-ni-xtan bị chiếm đóng bởi Mỹ và các lực lượng NATO vì cái mà họ gọi là chống khủng bố, chúng tôi vẫn chứng kiến máu đổ và chết chóc hằng ngày trên đất nước”. Anh Oa-hi-đun nói thêm: “Mỹ và các đồng minh NATO tới đất nước của chúng tôi nói là để tiêu diệt khủng bố, nhưng đã hơn một thập kỷ trôi qua mà họ vẫn chưa đạt được mục đích. Dù B.La-đen đã bị tiêu diệt, nhưng lãnh tụ Ta-li-ban hiện là M.Ô-ma vẫn mạnh lên và tiếp tục chỉ đạo “phiến quân” chống lại lực lượng NATO đang có mặt ở Áp-ga-ni-xtan với 130 nghìn quân, trong đó có 90 nghìn binh sĩ Mỹ”. Tại Áp-ga-ni-xtan, tình trạng mất an ninh, đánh bom tự sát và tham nhũng vẫn không giảm sút, có tới chín triệu người dân vẫn sống dưới mức nghèo. Báo cáo của LHQ công bố hồi tháng 8 vừa qua cho thấy, đã có 1.145 dân thường Áp-ga-ni-xtan chết vì xung đột trong sáu tháng đầu năm 2012. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về con số dân thường chết trong hơn một thập kỷ qua, nhưng LHQ cho biết, khoảng hơn 13 nghìn người Áp-ga-ni-xtan đã thiệt mạng vì chiến tranh. Trang iCasualties ước tính, cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan làm 3.177 binh sĩ NATO chết, trong đó có 2.114 binh sĩ Mỹ.
Trong 11 năm qua, Áp-ga-ni-xtan đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Thống kê của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và Cơ quan hỗ trợ Áp-ga-ni-xtan của LHQ (UNAMA) cho thấy, kinh tế nước này duy trì đà tăng trưởng 8% hằng năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 520 USD/năm. Lĩnh vực giáo dục (nhất là đối với trẻ em gái) và y tế được cải thiện đáng kể. Hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng và truyền thông được đẩy mạnh. Cộng đồng quốc tế đã dành những khoản viện trợ lớn giúp Áp-ga-ni-xtan tái thiết đất nước.
Chứng kiến cảnh bạo lực đẫm máu diễn ra hằng ngày và lo ngại về tương lai bất ổn, không ít người muốn rời bỏ đất nước sau năm 2014. Giáo sư ĐH Ca-bun Ph.Gia-lan nhận định, các thành quả giành được tại Áp-ga-ni-xtan kể trên có thể dễ dàng bị mất khi Mỹ và NATO rút quân khỏi nước này. Nhiều người dân Áp-ga-ni-xtan cũng đồng tình quan điểm trên, X.Gia-lan, một thợ may chuyển cửa hàng từ Pê-sa-oa (Pa-ki-xtan) tới Ca-bun tám năm trước nói: “Tôi lo ngại sẽ lại xảy ra nội chiến. Nếu Ta-li-ban trở lại thì tôi sẽ bị trắng tay. Chúng cấm nam nữ thanh niên mặc quần áo mới và đi bộ trong thành phố”. Tại tỉnh Ga-dơ-ni, cách Thủ đô Ca-bun 125 km về phía nam và tỉnh Ba-đơ-ghít ở miền tây Áp-ga-ni-xtan, nhiều người dân đã học cách sử dụng súng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó quân Ta-li-ban. Người dân địa phương nói họ không muốn đánh nhau, không muốn chém giết mà chỉ muốn xây dựng đất nước. Họ mong chính phủ hỗ trợ để được làm việc trên các cánh đồng. Nhưng họ buộc phải cầm súng vì bị quân Ta-li-ban ức hiếp và hãm hại. Chúng chặn xe của người đi đường, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc; chúng áp đặt những luật lệ hà khắc, bắt đóng cửa các trường học, trạm y tế và chợ. Chúng giết dân thường vô tội. Cựu tướng A.A-man tin rằng các lực lượng quân đội Áp-ga-ni-xtan chỉ có thể đảm đương được nhiệm vụ bảo đảm an ninh đất nước khi làm chủ thiết bị quân sự cũng như được đào tạo khả năng sẵn sàng đối phó các lực lượng chống đối. Ông A-man cảnh báo, một khi Áp-ga-ni-xtan mất an ninh thì có thể nền an ninh của Mỹ và thế giới cũng bị đe dọa.
Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, Áp-ga-ni-xtan vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với gần như 97% GDP phụ thuộc các nguồn viện trợ bên ngoài. Hòa bình và bảo đảm an ninh vẫn là giấc mơ của nhiều người Áp-ga-ni-xtan.
Theo Nhandan
Ý kiến ()