Áp dụng quy trình đảm bảo chất lượng cho cây thạch đen
![]() |
Người dân huyện Tràng Định ép thạch đen tại cơ sở sản xuất |
Xây dựng nhãn hiệu tập thể
Thạch đen không chỉ giúp người dân giảm nghèo, tăng thu nhập mà còn là cây trồng giúp nhiều nhà nông làm giàu. Thời gian qua, các cấp, ngành của huyện Tràng Định đã chú trọng phát triển cây thạch đen và xác định là sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của huyện. Tháng 9/2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện hoàn thành dự án: Xây dựng NHTT “Tràng Định” cho cây thạch đen. Sau 2 năm thực hiện dự án, tháng 2/2017, Phòng NN & PTNT huyện đã báo cáo tổng kết dự án, hiện đang chờ quyết định cấp bằng bảo hộ NHTT cho cây thạch đen Tràng Định của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ.
Ông Từ Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định, Chủ tịch Hội sản xuất – kinh doanh thạch đen cho biết: Nhằm đảm bảo chất lượng cũng như sự phát triển ổn định của cây thạch đen, huyện Tràng Định đã thành lập Hội Sản xuất – kinh doanh thạch đen từ tháng 5/2016 với 39 hội viên. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ đến tận các thôn, xã, đến nay, hội đã phát triển trên 400 hội viên.
Để hoàn thiện hồ sơ xin cấp NHTT, Phòng NN & PTNT kết hợp với Viện Nghiên cứu rau quả xây dựng quy trình trồng và chăm sóc thạch đen từ tháng 9 đến tháng 12/2015.
Quy trình tiêu chuẩn khoa học
Chị Hoàng Thị Điển, thôn Pò Mần, xã Đề Thám chia sẻ: Tham gia hội tôi đã nắm rõ quy trình trồng và chăm sóc cây thạch, tuy mới chỉ trồng được 3 ha nhưng hằng năm gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo chị Điển, để thạch đen đạt sản lượng cao, nông dân cần tỉ mẩn ngay trong giai đoạn chọn giống; với 1 ha cần 1,1 – 1,4 tấn cây con giống; cây con giống phải mập, nhiều nhánh, nhiều rễ, không bị dập nát và quan trọng là không có sâu bệnh.
Trong công tác chăm sóc, Phòng NN & PTNT huyện Tràng Định vận động thành viên trong hội tận dụng nguồn phân chuồng hoai mục để bón lót cho cây, trong trường hợp không đủ có thể sử dụng phân đơn hoặc phân NPK tổng hợp, đồng thời lưu ý người dân trồng thạch tuyệt đối không sử dụng phân hữu cơ chưa hoai mục, chú ý không để phân bón dính trên cành, lá để tránh trường hợp cháy lá khi gặp nắng nóng. Ngoài ra, các thành viên của hội cam kết với sự đồng tình không phun thuốc diệt cỏ mà thực hiện thủ công nhổ cỏ, xới đất kết hợp cùng với bón phân cho cây.
Xác định người dân làm chủ nhưng tuân thủ quy trình, huyện luôn chú trọng tạo điều kiện để người dân tham gia lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật và kiến thức chăm sóc cây thạch đen. Cụ thể, từ tháng 5 – 11/2016, Phòng NN & PTNN đã tổ chức 2 lớp tập huấn với 120 hộ trồng thạch tham gia. Ngoài ra, phòng còn thường xuyên phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tuyên truyền quy trình trồng và chăm sóc cây thạch đen thông qua các chương trình lồng ghép. Qua đó xây dựng biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây thạch đen nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm khi ra thị trường; xác định các loại sâu, bệnh hại trên cây thạch như: sâu xám, bọ cánh cứng, ban miêu, thối thân, khô đầu lá… trên cơ sở đó quy định cụ thể, khuyến cáo sử dụng các loại thuốc và liều lượng tiêu chuẩn…
Từ tiềm năng, giá trị kinh tế của cây thạch đen, với quy trình tiêu chuẩn khoa học và sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương, sự tham gia tích cực của các hộ nông dân sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời mở ra hướng đi phù hợp cho cây thạch đen, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa địa phương.

Ý kiến ()