Áp dụng mọi biện pháp thích hợp để bảo vệ di sản văn hoá
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Một trong các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được đưa ra trong dự thảo là áp dụng mọi biện pháp thích hợp về mặt pháp lý, khoa học, kỹ thuật, hành chính và tài chính để bảo vệ di sản văn hoá.
Theo dự thảo, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải dựa trên các nguyên tắc sau:
Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, hài hoà với quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng và cá nhân; Tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sự đối thoại giữa các cộng đồng và tính đặc thù dân tộc, vùng miền; Bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc thực hành của mỗi di sản văn hóa, đặc biệt là các nguyên tắc liên quan tới các thực hành tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, tính thiêng, kiêng kỵ, lệ mật, tục hèm hoặc bí quyết.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Bảo đảm quyền sáng tạo và hưởng thụ di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng chủ thể; bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; gìn giữ hòa bình; bảo đảm gìn giữ bản sắc, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sự đối thoại giữa các cộng đồng và tính đặc thù dân tộc, vùng miền.
Di sản văn hoá phải được nhận diện, kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và truyền lại cho các thế hệ; Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù và những di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.
Áp dụng mọi biện pháp thích hợp về mặt pháp lý, khoa học, kỹ thuật, hành chính và tài chính để bảo vệ di sản văn hoá.
Gắn việc bảo vệ di sản văn hoá với đời sống cộng đồng nhằm tạo cho di sản một chức năng trong đời sống xã hội; Tôn trọng vai trò chủ chốt của cộng đồng chủ thể trong việc quyết định những yếu tố cần được bảo vệ của di sản văn hóa và những hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản.
Lồng ghép việc bảo vệ di sản vào các chương trình, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước.
Bảo đảm giữ gìn yếu tố gốc, tính xác thực, thống nhất, được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế; Tôn trọng quyền quyết định của cộng đồng chủ thể đối với các nguy cơ tác động đến di sản: thay đổi bối cảnh, hình thức, đối tượng thực hành, biến di sản thành hàng hóa và quyền của cộng đồng trong việc tham gia lựa chọn biện pháp ngăn ngừa các nguy cơ đó.
Nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật để ngăn chặn và xử lý các nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá.
Di sản văn hoá được sử dụng rộng rãi trừ những tài liệu có nội dung chứa bí mật nhà nước.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa.
2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.
3. Khai thác, sử dụng di sản văn hoá làm xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
4. Lợi dụng việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; lợi dụng di sản văn hóa, danh hiệu của di sản để trục lợi và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật; phân biệt, đối xử, kỳ thị văn hóa, di sản, dân tộc, vùng miền, tạo ganh đua không vì di sản, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột văn hóa giữa các cộng đồng chủ thể.
5. Xâm phạm, xúc phạm, xuyên tạc, làm sai lệch nội dung, giá trị, biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới các thực hành tập quán, tín ngưỡng, tính thiêng, những điều kiêng kỵ, thực hành kín hoặc tục hèm được thực hành qua nhiều thế hệ và là bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể.
6. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
7. Thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
8. Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu đã được ghi danh ra nước ngoài.
9. Lợi dụng hoạt động bảo tàng để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; lôi kéo người sử dụng bảo tàng vào tệ nạn xã hội.
10. Truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu về di sản văn hoá; sử dụng thông tin xâm phạm quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/ap-dung-moi-bien-phap-thich-hop-de-bao-ve-di-san-van-hoa-10223101215261101.htm
Ý kiến ()