Ánh vàng Quan Sơn
(LSO) – Hơn chục năm trở lại đây nhờ có xưởng sản xuất gừng, nghệ xuất khẩu của gia đình bà Hoàng Thị Thi (thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng), gừng, nghệ đã trở thành cây trồng mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho các gia đình trong xã với tổng sản lượng tiêu thụ hằng năm lên đến gần 1.000 tấn.
Theo lời giới thiệu của cán bộ xã Quan Sơn, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất gừng, nghệ xuất khẩu của gia đình bà Hoàng Thị Thi, người dân tộc Nùng ở thôn Mu Cai Pha. Trong cái nắng xuân vàng hòa với màu vàng của hàng trăm tấn gừng, nghệ bao phủ nhà xưởng rộng gần 3.000 m2, hơn 20 lao động người địa phương đang tất bật rửa gừng, xay nghệ, cho vào lò sấy… Họ là người trong xã làm việc theo mùa vụ vì việc sản xuất gừng, nghệ chỉ kéo dài khoảng 4 tháng trong năm nhưng tiền công họ nhận được thấp nhất cũng hơn 6 triệu đồng/người/tháng và phấn khởi nhất là 2 thợ lò được hưởng mức lương cao nhất là 13 triệu đồng/người/tháng.
Người dân xã Quan Sơn xay bột nghệ
Tiếp chúng tôi bên chén trà đặc và những viên nghệ mật ong do xưởng sản xuất, bà Thi tự hào kể về nghề truyền thống đã giúp gia đình bốn thế hệ của bà có cuộc sống no đủ. Theo lời kể của bà Thi, thấy quê hương Quan Sơn có nghề trồng gừng, nghệ với năng suất, sản lượng cao và nhu cầu về gừng nghệ sấy khô trên thị trường, năm 2005, vợ chồng bà đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất gừng, nghệ sấy khô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hà Lan. Bình quân mỗi năm, gia đình bà thu mua khoảng 600 – 800 tấn gừng, nghệ tươi của các gia đình trong và ngoài xã, sau chế biến xuất khẩu được khoảng 60 – 70 tấn sản phẩm khô. Năm nào cũng vậy, các chuyên gia người nước ngoài cũng đến thăm xưởng vài lần, kể cả trời mưa rét họ vẫn ra tận vườn nghệ của các hộ gia đình và kiểm tra quy trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định chất lượng của sản phẩm gừng, nghệ khô.
Nhờ nghề truyền thống, gia đình bà Thi có cuộc sống sung túc, 3 người con của bà đều được học hành đến nơi đến chốn. Hai cô con gái lớn đã lập gia đình. Cậu con trai út của bà – anh Hoàng Trọng Nghĩa vốn là cử nhân sư phạm nhưng sau một thời gian công tác đã quyết định lập nghiệp bằng chính thế mạnh nông sản của quê hương và nghề truyền thống của gia đình. Ban đầu, anh làm quen với công việc ở xưởng sản xuất gừng, nghệ, sau dành thời gian nghiên cứu để điều chế ra sản phẩm tinh bột nghệ.
Nhớ về quãng thời gian đầu mày mò nghiên cứu, anh Nghĩa kể: “Tôi hì hục cả ngày lẫn đêm, hỏng mất mấy cái máy xay. Có lúc 12 giờ đêm làm xong một mẻ tinh bột, nhưng vẫn lỏng lại phải đổ đi. Phải mất khoảng một tháng rưỡi mới bắt đầu có sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu chất lượng. Tinh bột phải vàng mịn, đều màu. Viên nghệ phải vàng, tròn, nhẵn mịn và không bị nứt. Khi ngậm vào miệng phải thoảng mùi mật ong, ngọt dịu và tan đều, không bị vón”.
Ngay sau khi thử nghiệm thành công, gia đình anh Nghĩa đã đầu tư thêm máy móc để sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ và tinh bột nghệ viên mật ong Hồng Nhung. Qua tìm hiểu, để sản xuất ra một viên tinh bột nghệ mật ong phải trải qua rất nhiều bước tỉ mỉ. Trước tiên là lựa chọn nguyên liệu đầu vào là: nghệ nếp đỏ và mật ong rừng nguyên chất. Chị Hoàng Thị Nhung, vợ anh Nghĩa cho hay: “Nếu nghệ loại khác sẽ không cho màu sáng đẹp và đảm bảo dinh dưỡng. Mật ong phải là mật ong rừng hoặc mật ong cây vải thiều có màu vàng tươi, sánh mịn, mùi thơm, không lẫn tạp chất thì viên nghệ mới vàng, đẹp, không bị nứt, vỡ. Sau nhiều lần thử nghiệm em chỉ lựa chọn hai loại nguyên liệu này từ những gia đình có uy tín”.
Được chứng kiến quy trình sản xuất tinh bột nghệ mới thấy sự công phu, tỉ mỉ và niềm say mê của các thành viên trong gia đình đối với nghề này. Sau khi nhặt, bẻ nhỏ, tách bỏ đất, rửa sạch lại nhiều lần, nghệ được cho vào máy xay, tách bỏ bã, phần nước nghệ để lắng trong thời gian 4 – 5 giờ rồi tiến hành lọc, tách bỏ dầu, tạp chất. Phần tinh bột dạng nước còn lại được cho vào lò sấy khô, nghiền nhỏ tạo ra tinh bột. Tinh bột đó một phần đóng gói để bán một phần được cho vào máy để hòa quyện với mật ong rừng tạo ra viên tinh bột nghệ mật ong. Cầu kỳ và nhiều công đoạn như vậy, nên mỗi lần bước ra khỏi xưởng sản xuất, người thợ phủ trên mình một màu vàng mịn, từ bộ áo chàm của người dân tộc Nùng đến đôi găng tay y tế đều chuyển màu vàng non.
Với quy trình sản xuất an toàn, thành phần hoàn toàn từ củ nghệ tươi, cho các công dụng như: phục hồi sức khỏe, làm đẹp da, giải độc gan… Từ năm 2017 đến nay, sản phẩm tinh bột nghệ Hồng Nhung đã tạo dựng được niềm tin, sự ưa chuộng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ thành công của sản phẩm, bình quân mỗi năm gia đình bà Thi thu mua thêm khoảng 200 tấn nghệ tươi, nâng tổng sản lượng gừng, nghệ thu mua hằng năm lên gần 1.000 tấn.
Với nhu cầu nguyên liệu đầu vào lớn như vậy, gia đình bà Thi đã tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho khoảng 300 hộ gia đình trong xã Quan Sơn và hàng trăm hộ gia đình ở các xã khác của huyện Chi Lăng và các huyện khác như: Bình Gia, Tràng Định (Lạng Sơn) và huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Mô hình sản xuất này mỗi năm mang lại cho gia đình bà Thi thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng.
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ III năm 2019, bà Hoàng Thị Thi vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019.
Bà Linh Thị Ánh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Quan Sơn khẳng định: Đó là thành quả của cả một quá trình cố gắng và nỗ lực không ngừng của gia đình người dân tộc Nùng ở xã Quan Sơn. Mô hình góp phần tạo động lực cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã nói riêng, của huyện Chi Lăng nói chung vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()