Anh Thương khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng cây ăn quả
– Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên tại huyện Hữu Lũng đã tích cực xây dựng những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp đem lại hiệu quả. Các mô hình thể hiện rõ sức trẻ và tinh thần xung kích trong lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, tiêu biểu có anh Vi Văn Thương, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng khởi nghiệp thành công với mô hình trồng cây ăn quả với thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Anh Vi Văn Thương chăm sóc vườn ổi
Sau khi tốt nghiệp THPT, với ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Vi Văn Thương, sinh năm 1996, thôn Rừng Cấm – Chằm Non, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng đã đưa các loại cây ăn quả như bưởi, cam, xoài… về trồng tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Qua nhiều năm vừa làm vừa nghiên cứu, năm 2017, nhận thấy giống hồng xiêm xoài không kén đất, giá thành ổn định lại chưa có ai đưa về trồng, từ nguồn vốn hỗ trợ của gia đình, anh đã đưa vào trồng thử nghiệm 50 cây. Sau 3 năm đã thu được trái ngọt, mỗi cây đạt năng suất khoảng 30 kg/cây. Nhận thấy đây là cây trồng tiềm năng, năm 2020, anh tiếp tục trồng thêm 300 gốc hồng xiêm xoài và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, anh tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, bảo quản và theo dõi ghi chép nhật ký chăm sóc hằng ngày. Nhờ đó, mẫu mã, chất lượng quả đẹp hơn, giá thành ổn định. Hiện trung bình mỗi năm, sản lượng thu hoạch đạt 2 – 3 tấn quả, thu nhập đạt 60 – 70 triệu đồng/năm.
Cũng trong năm 2017, để tận dụng diện tích đất, anh Thương trồng xen 300 gốc ổi lê Đài Loan. Qua nhiều năm cần cù chăm sóc, anh rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ổi lê Đài Loan có thể ra quả quanh năm, tuy nhiên, trong quá tình sản xuất anh đã tập trung cắt cành, xử lý cho ổi ra hoa đồng loạt nhằm tăng năng suất quả. Năm 2022, vườn ổi của anh cho thu hoạch 7 – 8 tấn quả, với giá bán 20.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với việc gia đình áp dụng kỹ thuật chăm sóc, dự kiến sản lượng tăng so với năm trước. Theo anh Thương, việc trồng xen hai loại cây có ưu điểm lấy ngắn nuôi dài để tái đầu tư, tận dụng được tối đa nguồn đất trồng và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất.
Từ mô hình trồng các loại cây ăn quả đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Anh Thương cho biết: Ngoài những kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, tôi còn dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu quy trình kỹ thuật từ cách trồng đến chăm sóc cây trên các sách báo, mạng internet và các chương trình về nông nghiệp – nhà nông trên các kênh truyền hình. Bên cạnh đó, tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tổ chức.
Với kết quả đó, năm 2023, mô hình trồng cây ăn quả của anh đã đạt giải Ba tại cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng lần thứ 5, năm 2023. Thời gian tới, anh dự định tiếp tục mở rộng mô hình nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Nhận xét về anh Thương, anh Vũ Huy Tùng, Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: Anh Vi Văn Thương là đoàn viên tích cực trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế và đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thương còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, phát triển mô hình với những đoàn viên, thanh niên khác trên địa bàn xã, huyện. Với ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, anh Thương xứng đáng là một trong những điển hình của thế hệ thanh niên trẻ khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình nói riêng và địa phương nói chung.
Ý kiến ()