LSO- Vốn yêu thích nghề làm vườn, tốt nghiệp THPT, anh Dương Công Kỳ (Thôn Minh Quang, Long Đống, Bắc Sơn) đăng ký vào học tại trường Nông Lâm nghiệp Đông Bắc tại Hữu Lũng với mong muốn tiếp thu kiến thức về làm giàu trên quê hương mình.
Song, cũng như nhiều sinh viên các trường cao đẳng- đại học khác, với tinh thần yêu nước những ngày cuối tháng 12-1972, sau khi nhập ngũ, anh đã cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường rồi bị thương khi truy đuổi tàn quân Pôn Pốt ở Campuchia, tháng 6/1979, anh được về an dưỡng tại Đoàn 157 ở Bắc Ninh và tháng 2/1979 thì chuyển ngành sang Sở Lao động- TBXH.
Anh Dương Công Kỳ chăm sóc đàn lợn thịt đã đến tuổi xuất chuồng
Công tác ổn định, anh mới có dịp thực hiện lời ước hẹn năm nào với cô gái quê giờ đã trở thành cô giáo tiểu học. Hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ của người thương binh và cô giáo làng hiền thục giữa những tháng năm khó khăn nhất của sự chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường. Những đứa con lần lượt ra đời, khó khăn lại chồng khó khăn, năm 1991, anh quyết định xin về quê hương củng cố kinh tế gia đình. Với mức thương tật 3/4, anh vẫn còn làm được nhiều việc cho vợ con, mà trước hết là thực hiện khát khao cháy bỏng là làm giầu từ khoảng vườn đầy cỏ dại. Trải qua hàng chục năm phấn đấu, hết cây quýt lại cây đào, cây mận và chăn nuôi, anh đã rút ra nhiều bài học và đi theo con đường của riêng mình. Tự học hỏi về cách trồng, cách gieo ươm, chiết ghép các loại cây và cách thức chăn nuôi hợp lý, kiến thức khoa học cùng với sự chịu thương chịu khó, đất đã trả công xứng đáng cho gia đình anh. Anh chị đã có cuộc sống khấm khá, nuôi dạy 4 đứa con ăn học nên người.
Vườn quýt giống của gia đình
Ngồi giữa ngôi nhà sàn khang trang thoáng mát giữa bạt ngàn cây giống từ quýt đến mận, đến đào…với cái chân bị thương lúc nào cũng cứng đơ, anh tâm sự “Làm giàu thời nay dễ mà khó, dễ vì kiến thức khoa học luôn phổ cập, thị trường luôn rộng mở; song cũng khó vì thị trường thay đổi liên tục, người nông dân cần phải có sự thích ứng nhanh, phải có tri thức”. Chính tri thức và sự nhạy bén đã giúp gia đình anh vươn lên từ chăn nuôi lợn thịt, lợn nái; cây giống vườn nhà anh luôn đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của thị trường để phát triển bền vững và cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng mỗi năm. Nhìn lên tường, cùng với các Huân huy chương trong công cuộc giải phóng và bảo vệ Tổ quốc là các Bằng khen, Giấy khen về thành tích làm kinh tế giỏi, gia đình gương mẫu, anh nói thêm: “Vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng không những là đòi hỏi của cuộc sống, mà còn là danh dự, phẩm chất của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, với cương vị là Phó ban Mặt trận thôn, anh luôn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con, giúp cho người dân thôn Minh Quang nói chung và gia đình chính sách nói riêng có cuộc sống ngày càng khấm khá.
Ý kiến ()