Anh Thịnh năng động phát triển kinh tế
(LSO) – Lựa chọn chăn nuôi kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả và kinh doanh, anh Hoàng Doãn Thịnh đã xây dựng cho mình mô hình kinh tế hiệu quả. Anh là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Hội Nông dân xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn với thu nhập ổn định 450 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế, anh Thịnh tâm sự: “Trước đây, tôi đã có 6 năm đi lao động ở Nga, trải qua nhiều công việc từ công nhân lắp ráp ô tô, bán hàng tạp hóa đến vận chuyển hàng hóa. Thực ra cũng muốn lập nghiệp tại đó nhưng vì tôi là con một, phận làm con khiến mình suy nghĩ nên về với bố mẹ”.
Anh Thịnh sinh năm 1975, tại thôn Nà Yêu, xã Tân Lập. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chàng trai trẻ chỉ học hết lớp 10. Năm 1994, anh Thịnh lập gia đình và bắt đầu phát triển kinh tế. Để có thu nhập, anh trồng lúa, ngô, thuốc lá; chăn nuôi lợn (10 con/năm); chăn nuôi bò bán chăn thả (12 con/năm).
Anh Hoàng Doãn Thịnh chăm sóc đàn trâu
Sau khi ổn định cuộc sống gia đình và được người thân bảo lãnh, năm 2007, anh Thịnh đi lao động ở Nga. Khi trở về, với chút vốn trong tay, anh nhanh chóng nắm bắt thị trường. Nhận thấy thời điểm đó, thị trường thức ăn chăn nuôi trong huyện phát triển mạnh nên anh đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, để thu hút khách, với những gia đình khó khăn hoặc có nhu cầu mua trả chậm, anh Thịnh tạo điều kiện cho khách lấy hàng trước, sau mùa vụ mới phải thanh toán. Nhờ đó, cửa hàng của anh luôn đông khách, trung bình anh bán được từ 40 – 50 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng.
Với lợi thế có nguồn thức ăn chăn nuôi nhập tận gốc, năm 2014, anh Thịnh tiếp tục đầu tư chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Từ đó, trung bình mỗi năm, anh nuôi 1.000 con gà; 10 lợn nái, 150 lợn thịt và 12 con bò. Cùng với chăn nuôi, anh trồng 2 ha cây mỡ, 100 quýt; 100 bưởi Diễn.
Anh Thịnh cho biết: Xác định chăn nuôi quy mô lớn nên ngay từ ban đầu, cùng với xây dựng chuồng trại, tôi đã xây hầm bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường. Giải pháp này cũng giúp gia đình tiết kiệm nhiều chi phí về chất đốt.
Với tư duy của một người luôn tìm tòi, học hỏi, năm 2016, qua các phương tiện truyền thông, anh Thịnh biết đến phương pháp chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Từ đó, anh trực tiếp đi học hỏi thêm tại một số trang trại lớn ở Ba Vì, Vĩnh Phúc. Vừa chăn nuôi, anh vừa tìm hiểu thêm về kiến thức thú y. Bên cạnh đó, anh dành thời gian học tiếp chương trình phổ thông và học thêm ngành thú y để có kiến thức bài bản, áp dụng hiệu quả vào thực tế.
Từ năm 2017, nhận thấy chăn nuôi lợn, gà không hiệu quả, anh chuyển hẳn sang chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Nhờ anh áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, chủ động trồng cỏ voi… nên đàn bò của gia đình phát triển rất tốt. Hiện nay, trung bình mỗi năm anh nuôi từ 30 – 40 con (trâu, bò). Trong đó, anh vừa nuôi bò sinh sản, giữ lại những con giống tốt; vừa mua trâu, bò về vỗ béo thêm, sau một năm sẽ xuất bán. Tháng 5/2019 vừa qua, gia đình anh xuất bán 10 con bò, thu về gần 200 triệu đồng.
Với nhiều cố gắng, nỗ lực, năm 2018, gia đình anh Thịnh vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Dương Nam Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: Anh Thịnh là một trong những hội viên tiêu biểu của hội nông dân xã bởi sự năng động, cần cù, ham học hỏi. Hiện nay, anh Thịnh là cán bộ thú y của xã, giúp đỡ bà con kiến thức, kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cùng với đó, anh cũng rất nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của xã. Năm 2017, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Thịnh hiến 150 m2 đất để làm đường giao thông nội đồng, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế của xã.
Ý kiến ()