Anh Thắng thành công từ mô hình kinh tế tổng hợp
– Nhờ phát triển thành công mô hình kinh tế tổng hợp, anh Nguyễn Minh Thắng (sinh năm 1981) trú tại thôn Bản Piào, xã Bình La, huyện Bình Gia đã trở thành hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Mỗi năm, anh Thắng có tổng thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Anh Thắng kiểm tra tổ ong để chuẩn bị thu hoạch mật.
Cùng cán bộ xã Bình La, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Minh Thắng, người đã phát triển thành công mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp giúp gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động tại xã Bình La.
Vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân không được đi học, anh Thắng sớm có ý chí khởi nghiệp để thoát nghèo. Vì vậy, năm 2003, anh khởi nghiệp từ mô hình nuôi ong lấy mật. Anh lên rừng bắt ong về chia thành từng đàn để chăm sóc. Vừa học hỏi từ bạn bè, sách báo vừa tìm hiểu từ nhiều kênh thông tin, anh đã phát triển đàn ong lên 50 tổ cho lấy mật đều đặn hai lần mỗi năm. Từ năm 2009 đến nay, anh Thắng duy trì 64 tổ ong và thu hoạch được hơn 390 lít mật nguyên chất mỗi năm, mang lại lợi nhuận trên 90 triệu đồng/năm.
Năm 2010, anh Thắng tiếp tục thử sức với mô hình trồng rừng bạch đàn. Do là người tiên phong và chưa được tập huấn kỹ thuật trồng rừng, nên thời gian đầu mới bắt tay vào làm, anh gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian, nhận thấy cây bạch đàn không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, anh Thắng quyết định chuyển sang trồng cây keo.
Từ năm 2016 – 2017, anh Thắng sử dụng số vốn thu được từ mô hình nuôi ong để trồng cây keo. Theo đó, anh đã huỷ bỏ số bạch đàn trước đó để trồng 3 ha cây keo và mở rộng thêm 5 ha. Đất không phụ người, đến nay, rừng keo phát triển tốt và sắp cho thu hoạch.
Cùng đó, năm 2016, anh Thắng bắt đầu xây dựng chuồng trại và nuôi 16 con trâu vỗ béo, sau 3 năm được xuất bán. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm anh Thắng thu về khoảng 150 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí) từ mô hình nuôi trâu.
Ngoài ra, từ năm 2020, anh Thắng tiếp tục đầu tư mở xưởng chế biến gỗ tại nhà để sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: cánh cửa, giường, tủ, bàn ghế,… lợi nhuận thu được khoảng 80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Từ hiệu quả của mô hình kinh tế tổng hợp, anh Thắng có tổng thu nhập trên 320 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 đến 6 lao động thời vụ với thu nhập từ 300 – 400 nghìn đồng/người/ngày.
Ông Hoàng Văn Thời, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình La cho biết: Anh Thắng là hội viên nông dân tích cực trong phong trào phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao so với mặt bằng chung tại địa phương. Anh cũng rất năng nổ tham gia các phong trào, hoạt động do Hội Nông dân phát động. Bên cạnh đó, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho người dân trong xã. Cùng với đó, anh Thắng cũng tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, trong đó nổi bật như năm 2019, gia đình anh Thắng đã hiến hơn 200 m2 đất để xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ.
Với những nỗ lực của mình, tháng 2/2023, anh Nguyễn Minh Thắng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Ý kiến ()