Anh Sỹ ươm trái ngọt trên đồi cao
(LSO) – Với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Hồ Văn Sỹ ở thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành (Hữu Lũng) đã mạnh dạn đưa cây cam đường Canh, cam Vinh về trồng thay thế cho cây vải thiều, bạch đàn. Đồng thời không ngừng tìm tòi, học tập kỹ thuật canh tác, mở rộng diện tích trồng, ngày đêm miệt mài ươm những trái ngọt trên đồi cao.
Tiếp chúng tôi khi người ướt đẫm mồ hôi, anh Sỹ cười chia sẻ: Anh vừa ở vườn cam về, trồng cây ăn quả là mình phải quan tâm chăm sóc thường xuyên mới đạt chất lượng.
Sinh năm 1976, trong một gia đình thuần nông, anh Sỹ đã sớm gắn bó với ruộng vườn và trồng cây ăn quả từ rất sớm, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Sau một thời gian tự tìm hiểu, học hỏi, năm 2014, anh đã mạnh dạn phá bỏ diện tích cây vải thiều, cây nhãn để trồng thử nghiệm 700 cây cam đường Canh, cam Vinh. Đây là một quyết định khá táo bạo, bởi vào thời điểm đó trên địa bàn xã mọi người chủ yếu chuyển đổi sang trồng cây bạch đàn. Do đây là giống mới, nên anh đã phải mày mò tìm hiểu nhiều tài liệu, trên mạng Internet, đọc báo, nghiên cứu, xuống các vườn ở Bắc Giang học tập kinh nghiệm, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý cho cây cam ra hoa, đậu quả đạt năng suất, chất lượng. Sau hai năm, lứa cây đầu tiên cho thu quả, nhận thấy hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng diện tích, phá bỏ đồi trồng bạch đàn tạo thành đường băng, xây bể chứa nước và hệ thống ống dẫn nước tưới bằng ống kẽm và ống nhựa để thuận lợi cho việc tưới tiêu chăm sóc.
Anh Hồ Văn Sỹ chăm sóc vườn cam
Do xây dựng được quy trình chăm sóc hợp lý, vườn cam nhà anh Sỹ năm nào cũng sai trĩu quả, sản lượng trung bình đạt 12 tấn với giá bán cam Canh từ 30 – 35 nghìn đồng/1kg, cam Vinh từ 15 -20 nghìn đồng/kg cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Riêng vụ cam năm 2019 này, anh ước tính sản lượng cam đạt trên 20 tấn. Từ sự đi đầu của anh Sỹ, nhiều hộ dân ở xã Tân Thành đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng khác sang trồng cam, bưởi. Trong quá trình đó, anh Sỹ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mình đã đúc kết được để các hộ cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời anh cũng tạo điều kiện cho các đoàn từ các xã bạn, huyện bạn đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Ông Đặng Văn Công, thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành chia sẻ: Học hỏi anh Sỹ, tôi đã trồng 0,4 ha cam Vinh và bưởi da xanh, năm nay là năm thứ hai tôi đã bắt đầu thu hoạch được một số quả. Ngoài gia đình tôi, trong thôn có hơn chục hộ học hỏi anh Sỹ trồng cam, bưởi.
Không dừng lại ở đó, năm 2019 anh Sỹ đã mua thêm đất và đầu tư trồng thêm một mẫu cam canh (tương đương 3.600m2), nâng tổng diện tích cam của gia đình lên trên 5 ha. Nhận thấy hiệu quả, giá trị kinh tế từ việc trồng cam, cấp ủy chính quyền xã Tân Thành đã quyết định xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mới hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn xã phát triển trồng cam. Trong 3 năm 2016 – 2018, dự án đã hỗ trợ 9 gia đình cây giống, ống nhựa, béc tưới, phân bón với tổng số tiền hỗ trợ trên 962 triệu đồng. Trong đó, riêng gia đình anh Sỹ là hộ được hỗ trợ nhiều nhất với trên 4.000 cây cam giống, 36.900 m ống nhựa các loại, gần 8.000 béc tưới để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam và trên một tấn phân bón với tổng trị giá trên 375 triệu đồng.
Ông Phùng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Qua xem xét thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhận thấy gia đình anh Hồ Văn Sỹ đã chủ động đầu tư trồng cam, xã quyết định hỗ trợ thêm để gia đình mở rộng sản xuất, tạo thành mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao và ổn định trên địa bàn.
NGỌC HUYỀN (Hữu Lũng)
Ý kiến ()