Anh siết chặt kiểm soát làn sóng di cư
Hơn 100.000 người di cư đã vượt eo biển Manche trên những chiếc tàu nhỏ từ Pháp đến vùng đông nam nước Anh kể từ năm 2018 đến nay. Anh đang nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp và coi đây là trọng tâm trong chương trình nghị sự trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2024.
Người di cư chuẩn bị được sơ tán. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tuyến đường qua eo biển Manche là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới. Đây là nơi từng diễn ra nhiều vụ lật tàu khiến người di cư chết đuối. Số người di cư vượt biển vào Anh từ đầu năm 2023 đến nay đạt gần 16.000 người và tổng số người di cư vượt eo biển Manche tính từ năm 2018 đến nay là hơn 100.000 người.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ giảm số lượng người di cư bất hợp pháp tới Anh và coi đây là mục tiêu để ghi điểm cho đảng Bảo thủ nhằm thu hẹp khoảng cách với Công đảng, vốn đang giành được nhiều ủng hộ hơn trong các cuộc thăm dò dư luận.
Di cư bất hợp pháp là một bài toán khó mà Chính phủ Anh vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết. Giới chức nước này nhấn mạnh rằng, Anh cần xem xét một số biện pháp cứng rắn hơn và những người di cư vì mục đích kinh tế sẽ được nhanh chóng hồi hương.
Di cư bất hợp pháp là một bài toán khó mà Chính phủ Anh vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết.
Làn sóng người di cư bất chấp nguy hiểm vượt eo biển Manche để đến Anh khiến nước này đứng trước sức ép lớn về an ninh và an sinh xã hội. Tại trung tâm Manston, nơi tiếp nhận người tị nạn ở phía đông nam vùng England, điều kiện sinh hoạt rất tồi tệ khi nhiều người phải ngủ trên sàn nhà. Bộ Nội vụ Anh cho biết, mỗi ngày chính phủ phải chi 6,8 triệu bảng Anh để cung cấp nơi tạm trú cho những người di cư.
Hàng loạt biện pháp nhằm siết chặt kiểm soát dòng người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua eo biển Manche đã được Luân Đôn đưa ra. Chính phủ Anh công bố quyết định tăng mức xử phạt nếu chủ lao động và chủ nhà cho người nhập cư trái phép làm việc hoặc thuê nhà. Bộ Nội vụ Anh cho biết, mức phạt dân sự đối với chủ lao động sẽ tăng gấp ba lần, lên 45.000 bảng Anh nếu có một lao động nhập cư trái phép làm việc.
Trong khi đó, mức phạt đối với chủ nhà sẽ tăng từ 1.000 bảng Anh đến tối đa 10.000 bảng Anh nếu có một người thuê nhà nhập cư bất hợp pháp. Lý giải về quyết định này, Bộ Nội vụ Anh nêu rõ, việc vẫn tìm được việc làm và thuê được nhà là những yếu tố khiến người di cư bất chấp rủi ro để vượt biên, bởi vậy cần siết chặt quy định.
Chính phủ Anh cũng thúc đẩy phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật và các công ty truyền thông xã hội, góp phần ngăn chặn các nội dung đăng tải trực tuyến khuyến khích di cư bất hợp pháp. Cụ thể, một thỏa thuận giữa Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia và các công ty công nghệ gồm Meta, TikTok và X (Twitter trước đây) sẽ giúp hạn chế các nội dung về hỗ trợ di cư trái phép như cung cấp giấy tờ giả, giảm chi phí đối với di cư theo nhóm…
Anh cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong giải quyết vấn đề di cư. Mới đây, Xứ sở sương mù đã đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ Trung tâm cảnh sát mới của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch chung chống đường dây buôn người và buôn bán tàu, thuyền chở người di cư bất hợp pháp.
Trước đó, Anh và Pháp cũng ký thỏa thuận trị giá 72,2 triệu euro nhằm tăng cường nỗ lực chấm dứt dòng người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche. Theo thỏa thuận, Pháp sẽ tăng 40% lực lượng tuần tra bờ biển ở miền bắc nước này. Cảnh sát Anh cũng sẽ triển khai cùng các đồng nghiệp Pháp trên thực địa nhằm tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak từng nhấn mạnh, để xóa bỏ nạn di cư trái phép qua eo biển Manche, nhà chức trách cần xử lý gốc rễ vấn đề liên quan đến nạn buôn người, theo đó cần ngăn chặn các hành vi dụ dỗ vượt biên bất hợp pháp. Chính phủ Anh đang nỗ lực hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng di cư trái phép qua những tuyến đường nguy hiểm và triển khai các con đường hợp pháp, an toàn khác cho những người xin tị nạn.
Nguồn:https://nhandan.vn/anh-siet-chat-kiem-soat-lan-song-di-cu-post772372.html
Ý kiến ()